Tập trung xử lý xong các việc chậm, muộn
Chiều 5/8, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 7/2024 của Bộ. Cùng dự còn có các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Thanh Lâm và lãnh đạo cấp trưởng, phó các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ.
Theo Văn phòng Bộ TT&TT, trong 7 tháng đầu năm nay, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt hơn 2,41 triệu tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 56,9% kế hoạch năm. Lợi nhuận toàn ngành ước đạt 175.615 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 60% kế hoạch năm. Đóng góp vào GDP của ngành TT&TT ước đạt 558.522 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 59% kế hoạch năm.
Thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm tính từ ngày 1/7 đến ngày 31/7, đại diện Văn phòng Bộ TT&TT dẫn số liệu được trích xuất ngày 5/8 từ hệ thống theo dõi nhiệm vụ. Theo đó, trong tổng số 131 nhiệm vụ, có 91 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 40 nhiệm vụ đang thực hiện.
Nhận xét số lượng công việc bị chậm, muộn đã giảm bớt nhưng vẫn còn khá nhiều, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị các cơ quan, đơn vị trong Bộ TT&TT tập trung để giải quyết những việc đang bị quá hạn, nhất là việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. “Tôi đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung giải quyết nốt những việc đang chậm muộn trong tháng 8 này”, Thứ trưởng Phạm Đức Long lưu ý.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt 2 đề án Bộ TT&TT đang soạn thảo, đó là báo cáo tổng kết Nghị quyết 36 năm 2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, và Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi số. Vì thế, các cơ quan, đơn vị trong Bộ cần quan tâm, dành thời gian và tâm sức nghiên cứu, đóng góp ý kiến để hoàn thiện 2 đề án quan trọng này.
Đề cập đến công tác xây dựng Nghị định thay thế "Nghị định 72 năm 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng" cùng các Nghị định hướng dẫn thi hành 2 Luật Viễn thông, Giao dịch điện tử được ban hành năm 2023, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị các đơn vị liên quan hết sức lưu ý, bám sát và kịp thời tiếp thu, giải trình để các nghị định sớm được xem xét, phê duyệt.
Ba vấn đề trong huấn luyện trợ lý ảo diện hẹp
Xây dựng hệ tri thức, phát triển các trợ lý ảo diện hẹp để cán bộ, công chức ngành TT&TT đỡ vất vả đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm 2024. Hiện tại, một số cơ quan, đơn vị trong Bộ đang phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ để phát triển trợ lý ảo của đơn vị mình.
Một nội dung chiếm phần không nhỏ thời gian của Hội nghị là lãnh đạo Bộ cùng các đại biểu đặt câu hỏi để kiểm tra mức độ "thông minh" của các trợ lý ảo diện hẹp của Cục Tần số vô tuyến điện; Thanh tra Bộ; Cục Xuất bản, In và Phát hành.
Qua hơn 1 tiếng sử dụng thử trợ lý ảo của các đơn vị, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhận xét, so với trước, những trợ lý ảo diện hẹp này đã khá hơn. Nếu như 2 tuần trước, các trợ lý ảo chỉ trả lời được từ 10-20% thì nay tỷ lệ này đã được khoảng 40%.
Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm giải quyết 3 vấn đề: Huấn luyện để trợ lý ảo không tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật, mà phải trích dẫn các văn bản đúng và đủ theo câu hỏi; đưa tri thức của lĩnh vực, tổ chức mình vào trợ lý ảo phải đảm bảo chuẩn, kiểm soát chặt tri thức đưa vào; để trợ lý ảo xử lý tốt được số liệu, các đơn vị cần tạo lập cơ sở dữ liệu về lĩnh vực quản lý.
Cũng tại hội nghị, ngoài báo cáo của Vụ Bưu chính về kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu về thể chế bưu chính của các nước, đại diện Cục Thông tin cơ sở đã chia sẻ những nội dung nghiên cứu, tìm hiểu được nền tảng số quốc gia “Thông tin phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” của Trung Quốc. Việc lựa chọn một số tham luận, báo cáo chuyên đề của các đơn vị để trình bày tại các hội nghị giao ban quản lý nhà nước đến nay đã trở thành một nét văn hóa của Bộ TT&TT, với mục tiêu hướng tới là lan tỏa thông tin, tri thức cùng các kinh nghiệm, bài học hay.
Đánh giá cao báo cáo của Vụ Bưu chính và Cục Thông tin cơ sở, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng: Hai tham luận này có nhiều nội dung để các cơ quan, đơn vị trong Bộ nghiên cứu và triển khai. Với cơ sở dữ liệu thể chế bưu chính quốc tế đã được Vụ Bưu chính xây dựng, Thứ trưởng đề nghị đơn vị tiếp tục phát triển, phân nhóm theo các chính sách, phương thức quản lý để cơ sở dữ liệu tạo ra thêm nhiều giá trị, phục vụ công tác xây dựng thể chế cũng như thực thi hoạt động quản lý lĩnh vực.
Qua nghe kinh nghiệm của Trung Quốc trong triển khai nền tảng số quốc gia “Thông tin phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” được đại diện Cục Thông tin cơ sở tìm hiểu, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị Cục An toàn thông tin bàn với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05 (Bộ Công an) để bàn việc phối hợp triển khai nội dung này.
Một số việc cụ thể cũng được Thứ trưởng Phạm Đức Long giao các đơn vị tại hội nghị. Đơn cử như, Cục Chuyển đổi số quốc gia được yêu cầu khẩn trương tham mưu về xây dựng 1 đề án chuyển đổi số của Bộ; Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Bộ rà soát để triển khai đơn giản hóa các thủ tục hành chính của Bộ; Cục An toàn thông tin phối hợp với Trung tâm thông tin rà soát, triển khai việc bảo đảm an toàn theo cấp độ đối với các hệ thống thông tin tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ...