Thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, nhiều chương trình, dự án về dinh dưỡng đã được Nhà nước trực tiếp đầu tư và nhiều dự án hợp tác quốc tế được mở rộng. Điều đó đã cải thiện tình trạng dinh dưỡng người dân một cách rõ rệt. Tuy nhiên, thực trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, đặc biệt trẻ em vùng DTTS và miền núi vẫn còn ở mức cao.
Mường Nhé (Điện Biên), hiện toàn huyện có khoảng 1.380 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng theo cân nặng, chiếm tỷ lệ trên 21%; Hơn 2.100 trẻ bị suy dinh dưỡng theo chiều cao, chiếm tỷ lệ trên 32% tổng số trẻ toàn huyện.
Theo số liệu khảo sát của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, kết thúc năm 2019, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn ở mức 20%.
Theo kết quả điều tra ban đầu của Dự án gần đây nhất tại 11 tỉnh vùng sâu vùng xa cho thấy, tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn của các dân tộc còn thấp ( khoảng từ 4- 33%); tỷ lệ trẻ có chế độ ăn đúng đủ ở dân tộc thiểu số (khoảng từ 33-52%) thấp hơn so với vùng đồng bằng (75%). Nguyên nhân là do học vấn của bà mẹ thấp, thiếu an ninh lương thực; chế độ ăn không đa dạng và thiếu bữa (dân tộc Thái, Mường); cai sữa sớm (dân tộc Tày, Nùng).
Báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, cho biết: Việt Nam là 1 trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng trẻ em. Trong số 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng có khoảng 1/3 trẻ em DTTS thiếu dinh dưỡng thể thấp còi, tỷ lệ này cao gấp 2 lần so với trẻ em người Kinh.
Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở nhóm DTTS rất ít người còn ở mức cao như dân tộc Chứt là 40%, Si La: 21,7%; Bố Y: 35%; La Ha: 20%, Brâu, Rơ Măm: 29,87%; Ơ-đu: 12%; Lô Lô: 16,91%.
Trước thực trạng này, việc thiết lập một chương trình riêng làm thay đổi tích cực tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em ở vùng DTTS và miền núi là thực sự cần thiết.
Theo đó, việc cải thiện chất lượng hệ thống cơ sở y tế cấp huyện được xem là giải pháp sát sườn, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ sơ sinh là đồng bào DTTS, người sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng ngoại ô được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm có chất lượng.
Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1896/QĐ-TTg về Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”. Với chương trình này, đối tượng là trẻ em DTTS sẽ chiếm một phần không nhỏ. Tuy do nguồn lực và nguồn ngân sách thực hiện vẫn là lồng ghép trong các chương trình, dự án có liên quan, mà chưa có giải pháp riêng, nhất là đối với vùng DTTS và miền núi, nên mục tiêu “giải quyết căn bản gánh nặng kép về dinh dưỡng”, xem ra không đơn giản.
Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/05/2020, phê duyệt Đề án “Vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025” (gọi tắt là Đề án 588). Theo đó, Đề án 588 sẽ triển khai chuỗi hoạt động, từ vận động nguồn lực đến hình thành mạng lưới các nhà tài trợ, các tổ chức trong nước và quốc tế.
Được biết, Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục phát động cuộc vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại một số tỉnh vùng cao. Cuộc vận động nhằm giúp các nhà trường có điều kiện tốt hơn trong tổ chức hoạt động dạy học, chăm sóc và nuôi dưỡng học sinh; các em có điều kiện tốt hơn để học tập và vui chơi.
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cũng đã xây dựng Dự án số 7 - “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh duỡng trẻ em”; trong đó chú trọng vào chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Trong bối cảnh hiện nay, để phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số rất cần chung tay cùng của các cấp, các ngành, cộng đồng doan nghiệp, các tổ chức xã hội, đối tác phát triển và nhân đạo và các gia đình... để đảm bảo duy trì các bữa ăn đầy đủ, góp phần đẩy lùi các thói quen, tập tục không đảm bảo an toàn dinh dưỡng cho sự phát triển thể trạng của trẻ em.
Văn Hùng, Hoài Thanh, Kiều Oanh, Thanh Hùng, Huyền Sâm