Tại Hội nghị Hướng dẫn tuyển sinh năm học 2024-2025 vừa diễn ra, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị, đối với các trường công lập, các phòng GD-ĐT phải có biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, không để xảy ra những việc như xếp hàng từ 2-3h sáng để nhận chỗ, giữ chỗ; các phần tử trà trộn xếp hàng rồi bán số thứ tự. 

“Năm nay, Sở đề nghị các trưởng phòng GD-ĐT báo cáo với lãnh đạo quận, huyện để cố gắng không để hiện tượng này xảy ra. Bởi theo văn bản của TP, nếu có vấn đề xảy ra, bí thư và chủ tịch các quận, huyện phải chịu trách nhiệm”, ông Cương nhấn mạnh.

Ông Cương cũng nêu quan điểm cá nhân cũng như của ngành GD-ĐT Hà Nội về một vài hiện tượng xảy ra ở một số trường tư thục báo chí nêu thời gian qua.

“Gần đây, Hà Nội xuất hiện một số hiện tượng giữ chỗ ở một số trường tư thục, cá biệt có trường đưa ra mức phí giữ chỗ rất cao, dù đây là quan hệ dân sự, là thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường.

Các trường tư thục giải thích là “để đảm bảo ổn định cho công tác tuyển sinh, tránh việc nay nộp hồ sơ, mai lại rút gây xáo trộn tuyển sinh của nhà trường….”.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội bày tỏ không đồng tình với lý luận này: “Môi trường giáo dục, môi trường sư phạm cần đảm bảo tính nhân văn. Chúng tôi xin nhắc lại và khuyến cáo không nên làm việc đó. Vẫn biết rằng, phí giữ chỗ là sự thỏa thuận, đồng thuận giữa phụ huynh học sinh và chủ trường nhưng xét khía cạnh giáo dục, sư phạm là không hay. Vì vậy, tôi đề nghị các nhà trường rút kinh nghiệm về việc này”.

img 4788.jpg
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng lưu ý các trường tư thục cần tạo điều kiện cho học sinh có thể rút hồ sơ nếu các em trúng tuyển trường công lập vì hạ điểm chuẩn. “Chúng ta phải đảm bảo điều kiện như vậy để giúp cho các em học sinh”, ông Cương lưu ý.

Ông Cương cũng cho hay, thời gian tới, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ thành lập phòng quản lý giáo dục tư thục và có yếu tố nước ngoài để tăng cường quản lý các trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài. 

Lý do bởi không chỉ Hà Nội mà TP.HCM và các tỉnh, thành khác, việc quản lý trường tư, trường có yếu tố nước ngoài đôi lúc, đôi chỗ còn lỏng lẻo, dẫn tới nhiều tình huống khó lường xảy ra thời gian qua. 

Nhắc lại vụ việc lùm xùm về tài chính xảy ra ở Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) tại TP.HCM chưa biết giải quyết thế nào, ông Cương khuyến cáo: Nếu trường nào ở Hà Nội trót có cách hoạt động như vậy, đề nghị phải chấm dứt ngay bởi Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các lực lượng bảo vệ pháp luật xem xét, giải quyết.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề cập đến một “hiện tượng” trong giáo dục là việc 1 học sinh đi học trường tư nào đó phải đóng phí nhưng nếu học sinh đó mời gọi được 3 - 4 học sinh khác sẽ được miễn phí; nếu mời được 7- 8 học sinh vào trường vừa được miễn phí vừa được “hoa hồng”. Ông Cương đặt câu hỏi: “Thế đây là gì? Đó có phải là đa cấp trong giáo dục không?”.

Ông Cương khẳng định: “Môi trường giáo dục, môi trường nhân văn, môi trường mô phạm không cho phép điều đó. Nếu phát hiện ra đơn vị nào, với thẩm quyền Giám đốc Sở GD-ĐT - trình TP phê duyệt thành lập trường, tôi sẽ trình TP đề nghị giải tán trường đó”.

Người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội cũng thẳng thắn phê bình một trường tư ở Hà Nội khi để xảy ra tình trạng “ký gửi” học sinh, cho học sinh học, có kiểm tra, đánh giá, có điểm nhưng không có mã định danh để thi tốt nghiệp THPT. Ông Cương đề nghị trường này cần chấm dứt việc trên, nếu còn xảy ra sẽ kiên quyết không giao chỉ tiêu, thậm chí có thể xem xét, yêu cầu rút giấy phép.

“Vẫn biết hiện nay các trường cạnh tranh, lấy thu bù chi và các trường tư khó khăn việc này việc kia... nhưng lương tâm nhà giáo, lương tâm ngành sư phạm không cho phép chúng ta làm điều đó”, ông Cương nêu quan điểm.

Từ vấn đề nêu ra, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các trường tư cần nghiêm túc triển khai tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục và pháp luật hiện hành.

Học sinh đầu cấp tại Hà Nội tiếp tục tăng mạnh
 
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh lớp 9 dự xét công nhận tốt nghiệp THCS tại 30 quận, huyện, thị xã.

Năm học 2024-2025, thành phố dự kiến tuyển mới 152.000 trẻ mầm non, khoảng 145.000 học sinh vào lớp 1 và 160.000 học sinh vào lớp 6.

Với bậc THPT, Hà Nội có khoảng 81.200 học sinh dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập và khoảng 51.800 học sinh dự tuyển vào các trường THPT tư thục, trung tâm GDNN - GDTX, các trường nghề có giảng dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT.

Như vậy, dự kiến số lượng học sinh vào lớp 1 tăng 7.000; học sinh vào lớp 6 tăng 58.000; học sinh vào lớp 10 tăng 5.000 so với năm học trước.

Thành phố Hà Nội hiện có hơn 2.800 trường học các cấp. Năm học 2023 - 2024, Hà Nội đã xây mới 36 trường học các cấp, đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh.

Tuy nhiên, tại một số địa bàn đông dân cư, các khu đô thị mới, khu tái định cư vẫn còn hiện tượng trường, lớp quá tải; sĩ số học sinh/lớp cao hơn so với quy định tại điều lệ trường học do Bộ GD-ĐT quy định.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Thành phố đã ban hành các văn bản hướng dẫn, hoàn thiện hệ thống trực tuyến phục vụ công tác tuyển sinh và đã tổ chức rà soát các đối tượng học sinh dự tuyển vào các cấp.

Các quận, huyện, thị xã cơ bản đã hoàn thành công tác điều tra số trẻ trong độ tuổi tuyển sinh, xây dựng phương án đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cho năm học mới và triển khai phân tuyến, kế hoạch tuyển sinh”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo nghiêm túc, tiếp thu tinh thần chỉ đạo của ngành qua các văn bản hướng dẫn, nắm bắt rõ những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.

Đồng thời đưa ra những góp ý, xây dựng, triển khai các giải pháp hiệu quả để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

 Đại diện ngành giáo dục các quận, huyện cho hay đang rà soát số học sinh trên địa bàn để xây dựng kế hoạch phân tuyến, đảm bảo các em có chỗ học công lập, gần nhà nhưng không khiến các trường quá tải.

Hoàng Thanh