Để bảo đảm tốt nhất quyền cho mọi người dân, Việt Nam cam kết đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng các chính sách giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực địa lý, các nhóm dân cư, trong đó đặc biệt chú trọng các nhóm dễ bị tổn thương.
Đói nghèo được xem vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của vi phạm quyền con người, bởi những người đói nghèo hầu như bị hạn chế mọi cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản từ y tế, nước sạch, giáo dục tới việc làm, đồng thời cũng không được hưởng thụ các thành quả của tiến bộ xã hội.
Giảm nghèo toàn diện và bền vững luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu trong đường lối, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhằm bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Với Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, nhân quyền không chỉ thể hiện qua quan niệm, chủ trương, chính sách mà còn thể hiện qua hành động thiết thực để nhân quyền thật sự trở thành giá trị xã hội. Cụ thể:
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: bảo đảm an sinh xã hội là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới; tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội tới mọi người dân, hướng tới mục tiêu thực hiện an sinh xã hội toàn dân; khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của mỗi người dân... để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Việc thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng dân tộc, miền núi và thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng khác là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội.
Để đảm bảo người dân ở mọi vùng miền đều có cuộc sống đảm bảo nhu cầu tối thiếu, Chính phủ thông qua Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020, Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững với đồng bào dân tộc thiểu số (9/2015), Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025…
Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 ở Trung ương và địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết; Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng cao chất lượng giáo dục, tỉ lệ trẻ em đến trường; bảo đảm mọi người trong hộ nghèo đều có cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế; kết hợp giữa giảm nghèo bền vững với phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng; lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn…
Qua 10 năm thực hiện, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền.
Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo cũng còn những tồn tại, cần khắc phục trong giai đoạn tới như: Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn cao, còn khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư; công tác rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo còn chậm,...
Một số địa phương có tỉ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong giai đoạn 2015-2019 như huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) giảm 40,66%, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) giảm 39,96%, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) giảm 34,51%, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) giảm 33,52%.
Nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 93.000 tỷ đồng.
Áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều
Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều |
Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; ngoài chỉ số về thu nhâp, chuẩn nghèo có có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Chính phủ đã chỉ đạo ban hành các chính sách giảm nghèo chung hỗ trợ toàn diện cho người nghèo như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, dạy nghề, lao động và việc làm, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, vay vốn tín dụng ưu đãi; giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng. Từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng.
Trong giai đoạn 2016-2020, tại địa bàn các huyện, xã nghèo, đặc biệt khó khăn đã có khoảng 18.000 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15.000 công trình; khoảng 7.000 công trình được duy tu bảo dưỡng. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 32.000 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng kết nối vùng được đầu tư như điện, đường, trường, trạm và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, dân sinh.
Nhiều địa phương đã nỗ lực thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, thoát nghèo như huyện Tân Sơn (Phú Thọ), huyện Ba Bể (Bắc Kạn), huyện Phù Yên và huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), huyện Tân Uyên và huyện Than Uyên (Lai Châu), huyện Như Xuân (Thanh Hóa), huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi). Dự kiến, đến cuối năm 2020, có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 550 xã đã hoàn thành Chương trình 135 và 1.286 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.
Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 1,6 lần giai đoạn 2016-2020. Người nghèo có khả năng lao động được hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Hỗ trợ hơn 13.000 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi từ Chương trình 135 với hơn 8.000 tỷ đồng.
Chương trình 135 đã hỗ trợ cho 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ hơn 2,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được bồi dưỡng kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, kỹ năng nghề nghiệp, sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Củng cố hệ thống thông tin cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin của người dân để chủ động vươn lên thoát nghèo.
Báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” được công bố bởi Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho thấy, đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua.
“Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ nghèo trong các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm là kết quả rất đáng khích lệ và những nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho những nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thông tin.
Những kết quả đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, chương trình 135 là những minh chứng sống động, không thể phủ nhận cho thấy Việt Nam đã nghiêm túc triển khai các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về nhân quyền.
Hoài Thanh