Thiếu hụt thông tin là một trong những chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong bộ tiêu chí giảm nghèo đa chiều. Thời gian qua, các địa phương trong cả nước đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Đặc biệt là Tiểu dự án “Giảm nghèo thông tin” (thuộc Dự án 6) xác định việc tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư là nhiệm vụ quan trọng. Tiểu dự án đặt mục tiêu bảo đảm 100% xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở các khu vực này.

Bắc Giang: Đặt mục tiêu 100% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang truyền thanh thông minh

Thực hiện Tiểu dự án “Giảm nghèo thông tin” (thuộc Dự án 6), tỉnh Bắc Giang đã tập trung nâng cấp hạ tầng thông tin; lắp đặt các trạm phát sóng và xóa điểm lõm sóng.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1,7 nghìn vị trí cột ăng ten thu phát sóng di động. Cùng đó, duy trì hoạt động của hơn 3,8 nghìn trạm thu phát sóng di động, bảo đảm nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; sóng di động 3G, 4G đã phủ sóng rộng rãi. Ngoài ra, các địa phương còn lắp đặt bảng điện tử, wifi miễn phí tại các điểm công cộng để phục vụ người dân.

Nhờ xoá lõm sóng, từ năm 2023 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã lắp đặt 22 đài truyền thanh thông minh tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Động và Lục Ngạn.

Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã có dây, không dây chuyển đổi sang truyền thanh thông minh.

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện chỉ tiêu “thiếu hụt về thông tin” trong giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm nghèo hiệu quả.

Theo kết quả rà soát năm 2023, tỉnh Bắc Giang còn hơn 12,5 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63%, giảm 1,18% so với năm 2022. Số hộ cận nghèo còn 16,2 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%.

Sóc Trăng: Trong năm 2024, hơn 4.000 hộ dân đã thoát nghèo

Công tác giảm nghèo ở Sóc Trăng năm 2024 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ chiếm 1,34% trong tổng dân số. Đó là kết quả từ việc huy động nhiều nguồn lực thực hiện các mô hình giảm nghèo, nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo.

Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng Đặng Thanh Quang cho biết ngay từ đầu năm, Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng ngân sách là trên 114 tỷ đồng. Bằng việc huy động nhiều nguồn lực, sự nỗ lực vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến nay toàn tỉnh còn lại 4.484 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34% (giảm 4.042 hộ so với năm 2023, tương đương giảm 1,2%), hộ cận nghèo còn 17.084 hộ, chiếm tỷ lệ 5,10% (giảm 4.569 hộ so với năm 2023).

Năm 2025, Sở tiếp tục tham mưa cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện hiệu quả các nguồn lực để giảm nghèo, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tỉnh đặt mục tiêu cụ thể, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76,5%, lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ là 45,9%, lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi là 84,5%. Đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,1%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo Khmer giảm 0,2%/năm.

Đắk Lắk đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo

Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Ayun H’Hương cho biết, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, công tác giảm nghèo tại Đắk Lắk vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao, xếp thứ hai cả nước về số lượng hộ nghèo, chỉ sau tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn ở mức 19,7%, chiếm 67,76% tổng số hộ nghèo của tỉnh. Một số địa phương trong tỉnh chưa thực sự quyết liệt trong triển khai các chương trình giảm nghèo. Công tác đào tạo lao động còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, việc làm bền vững cho người lao động tại chỗ còn hạn chế. Ngoài ra, tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người dân, ảnh hưởng đến hiệu quả của các chính sách giảm nghèo.

Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng các giải pháp trọng tâm cho năm 2024-2025. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu. Các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao như Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông, Krông Năng, Lắk và M’Drắk sẽ được ưu tiên tập trung mọi nguồn lực, lồng ghép ba Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ để phấn đấu đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý chí vươn lên của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Song song đó, các chương trình tạo việc làm, đào tạo nghề và hỗ trợ sinh kế sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn.

Một trong những giải pháp trọng điểm là thực hiện hiệu quả “Đề án đưa người lao động của tỉnh Đắk Lắk đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2024-2026” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 578/QĐ-UBND ngày 7/2/2024, nhằm tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát, đảm bảo hoàn thành mục tiêu xóa nhà ở không đảm bảo cho hộ nghèo vào cuối năm 2025. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cho các chương trình, dự án giảm nghèo. Các mô hình giảm nghèo hiệu quả sẽ được nhân rộng, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác để tối ưu nguồn lực và đảm bảo tính bền vững.

Với những nỗ lực và quyết tâm, Đắk Lắk kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5%-2%/năm trong năm 2024-2025. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực trong tỉnh.

Tây Ninh: Đảm bảo cơ sở hạ tầng, thường xuyên cung cấp thông tin thiết yếu, chính thống cho Nhân dân

Là tỉnh biên giới có gần 240km đường biên giáp Campuchia, địa giới hành chính khá rộng, dân số đông, đa tôn giáo, dân tộc, để huy động, tập hợp, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua, nhất là khi triển khai thực hiện Tiểu dự án “Giảm nghèo về thông tin" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022-2023, cấp uỷ, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đa dạng, phong phú các hoạt động tuyên truyền, đưa thông tin về cơ sở, không để người dân bị thiếu thông tin, “nghèo thông tin".

Về cơ sở hạ tầng thông tin, tỉnh hiện có 03 cơ quan báo chí (Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh); 06 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép, trong đó riêng Cổng Thông tin điện tử (UBND) tỉnh tích hợp 54 cổng thông tin điện tử thành phần; toàn tỉnh có 94 đài truyền thanh cấp xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tỉnh cũng thường xuyên cung cấp thông tin, hợp tác tuyên truyền với 39 cơ quan báo chí Trung ương và cơ quan báo chí ngoài tỉnh. Hoạt động của hệ thống hạ tầng thông tin này hằng năm đăng tải hơn 60.000 tin, bài, video clip, Infographic tuyên truyền, lan toả, chuyền tải thông tin chính thống sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, vùng nông thôn, biên giới.

Toàn tỉnh có 419 thiết chế văn hoá, các thiết chế này thường xuyên được sử dụng, phục vụ các chương trình văn hóa - văn nghệ quần chúng, thông tin lưu động, chiếu phim, trưng bày sách báo, phim ảnh..., đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Nhân dân. Hằng năm, các bộ phận nghiệp vụ của ngành văn hoá tổ chức bình quân từ 50 - 80 buổi biểu diễn văn nghệ, kịch bản, tiểu phẩm, tổ chức phục vụ Nhân dân các vùng sâu, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hệ thống thư viện, tủ sách từ tỉnh đến cơ sở được duy trì hoạt động thường xuyên; mạng lưới thư viện được chú trọng phát triển theo hướng tổ chức mô hình thư viện lưu động, thư viện huyện kết hợp điểm bưu điện luân chuyển sách báo đến các điểm bưu điện văn hóa các xã.

Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đặc biệt là đối tượng các hộ nghèo, cận nghèo, giúp kéo hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa vùng thành thị và nông thôn, kịp thời đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo Nhân dân.