Dáng vẻ gầy guộc, đội một chiếc mũ rộng vành che khuất nửa mặt, chị Phạm Thị Phượng (quê Thanh Hóa) rảo bước qua những cửa hàng ăn.
Dắt con đi rong
Dáng vẻ gầy guộc, đội một chiếc mũ rộng vành che khuất nửa mặt, chị Phạm Thị Phượng (quê Thanh Hóa) rảo bước qua những cửa hàng ăn. Một tay chị chìa ra chiếc giỏ bên trong có vài món đồ linh tinh, ý mời mua, một tay chị đỡ đứa con địu trước ngực. Thỉnh thoảng, một vài người khách thương tình vừa mua, vừa cho 5 nghìn, 10 nghìn. Có người lặng lẽ thả vào giỏ tờ bạc 1 - 2 nghìn đồng. Dù ít, dù nhiều, chị Phượng cũng cúi đầu cảm ơn, rồi lập cập gấp tờ bạc cho vào chiếc túi đeo trước bụng. Trên ngực chị là cái Bống – đứa con gái 11 tháng tuổi đang say ngủ.
Trời sập tối, đứa trẻ khát sữa oe oe khóc. Người mẹ vội vàng lủi vào dưới hiên một ngôi nhà cao tầng có treo biển “Cho thuê”, mau chóng ngồi xuống rồi vạch áo cho con bú.
Chị Phượng dừng chân cho đứa con nhỏ bú |
Năm nay, chị mới 32 tuổi.
“Em còn bận con nhỏ nên chẳng chỗ nào người ta thuê làm, đành phải đi như thế này thôi” – chị Phượng thở dài nói, đôi mắt đã đỏ hoe từ bao giờ.
Chị bảo, từ ngày lấy chồng, chị chẳng được ai quan tâm, hỏi han. Biết bao nỗi cơ cực của chị theo dòng nước mắt cứ thế tuôn rơi.
Vốn là chị cả trong gia đình có 4 anh chị em, chị Phượng kể rằng, chị được cha mẹ yêu chiều, lúc nhỏ chẳng phải vất vả bao giờ. Lớn lên, cảnh nhà bỗng sa sút, lớp 8 thì chị nghỉ học, theo người trong làng đi làm thuê, làm mướn rồi chợ búa ở nhiều nơi. Sau đó, chị lấy chồng, cứ ngỡ cuộc sống gia đình có hai người cùng làm, cùng ăn sẽ đỡ lao khổ hơn, nhưng ngược lại…
“Em hơn chồng em một tuổi, lấy nhau, đẻ được một thằng cu thì chồng em giở chứng. Lăng nhăng, rượu chè, cờ bạc, chẳng chịu làm ăn. Thằng cu năm nay 6 tuổi, mà em thì phải đi lang bạt kiếm tiền đã 3 năm rồi” – chị nghẹn ngào nói.
Yêu chồng, thương con, chị Phượng đã bao phen khốn khổ vì ghen tuông, đau đớn. Trong khi chị hục mặt đi kiếm tiền, thì người chồng chỉ ở nhà đi phụ hồ và loanh quanh vài thước ruộng. Khi đứa con thứ 2 ra đời, chồng chị càng đổ đốn, không chịu làm ăn. Giận chồng, chị ôm con ra Hà Nội.
“Con bé còn nhỏ quá, mà cái gì cũng cần tiền: Bỉm, sữa, đồ ăn… Em chẳng bấu víu được vào đâu” – chị nói.
Ban đầu, không muốn đi xin, chị Phượng nghe bạn bè rủ rê đi bán đĩa phim cấm. Nhưng rồi bị truy đuổi, biết là trái pháp luật, chị không dám làm nữa.
Cháu lớn đi học, cần tiền. Con bé càng lắm khoản chị, em chẳng bấu víu vào đâu cả, đành nói dối nhà ra Hà Nội. “Biết rằng con nhỏ thì khổ, nhưng không có tiền, mà thằng cu lại phải đi học, nên em phải lo. Mới đầu em nghe bạn bè rủ đi bán đĩa phim cấm, nhưng mấy lần bị đuổi, bị bắt… em không dám làm nữa” – chị Phượng giải thích.
Đó là lý do, hai mẹ con chị bây giờ rong ruổi khắp phố phường Hà Nội. Chị biết rằng, bế con đi theo thì người ta cũng thương tình “ủng hộ” nhiều hơn, nhưng thực tâm, chị vừa tủi, vừa buồn.
Chị tâm sự: “Em mong cháu nó cứng cáp hơn, để gửi được con, rồi đi làm nghề gì khác chứ không đi mãi thế này được. Thương thân mình một mà thương con mười…”
Hiu hắt bên đời
Trong con ngõ nhỏ gần BV Phụ Sản TW Hà Nội có một xóm trọ, nơi tập trung rất nhiều người lao động nghèo: Người bán hàng rong, cửu vạn và cả những người ăn xin tứ xứ.
Ở đây, không ít người rớt nước mắt vì hoàn cảnh của chị Mai “khoèo tay”.
Mai cũng gần 30 tuổi, người thấp và gầy nhẳng. Không ai biết làm cách nào mà Mai quê ở Hải Phòng lên được đến Hà Nội.
“Nó kể nhà có 5 anh chị em, mình nó bị tật. Các anh chị lấy vợ lấy chồng hết cả, nó không muốn ở nhà ăn bám, làm khổ bố mẹ nên trốn đi. Lên đây rồi nhưng sức vóc chẳng làm được gì, mới phải đi xin cho qua ngày” – cô Thuận, một người trong xóm trọ kể lại.
Ban đầu, Mai cũng theo chị em, cô bác sắm ít đồ linh tinh đi bán dạo. Nhưng sức yếu, lại chậm chạp, bán mua chẳng ăn thua, nhiều khi cả ngày trời không được đồng nào, Mai âm thầm nhịn đói. Bà con biết được, lại dúi cho mấy đồng ăn qua bữa.
Mai vẫn cố gắng bám nghề bán hàng rong, cho đến ngày chị bị công an “tịch thu” hết cả hàng họ ở SVĐ Quốc Gia. Hôm ấy tối muộn mới thấy chị tay trắng về nhà, mắt mũi sưng húp vì khóc.
Cô cho biết, từ sau hôm ấy, chị Mai phải đi xin ăn. Được một thời gian thì chị bỏ đi đâu không rõ.
“Còn nhớ mãi buổi cuối cùng nó đi, cái dáng mảnh khảnh, loạng choạng giữa trời gió rét. Tôi nhìn theo mà chảy nước mắt. Cũng là một đời người” – cô Thuận thở dài nói.
Những phận đời như thế, rồi cũng bị lãng quên, rồi cũng mờ dần trong nhịp sống hối hả, vội vàng nơi phố thị.
Minh Tâm
(còn tiếp)