Gian lận giao dịch điện tử gia tăng “chóng mặt” 

Với sự tiện lợi và dễ dàng, các kênh giao dịch thương mại điện tử đã trở thành kênh mua sắm hàng đầu của giới trẻ, cùng với đó là sự khuyến khích cho phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại nhiều quốc gia, khiến cho giao dịch điện tử và giao dịch thẻ tín dụng trực tuyến trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, điều đó kéo theo lượng tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là qua giao dịch điện tử và giao dịch thẻ, có xu hướng tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Tại Việt Nam, số vụ việc gian lận giao dịch điện tử cũng ghi nhận kỷ lục trong 2 năm vừa qua do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Lợi dụng việc người dân phải ở nhà trong các đợt giãn cách xã hội, các đối tượng lừa đảo đã tiếp cận người dùng và giới thiệu các chương trình hỗ trợ lãi suất vay, hỗ trợ rút tiền dư trong thẻ tín dụng, đóng hoặc kích hoạt thẻ tín dụng… từ đó chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng của người dùng để mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, một phương thức gian lận phổ biến khác mà các tổ chức tín dụng liên tục phát đi cảnh báo thời gian vừa qua là thủ đoạn giả danh nhà mạng yêu cầu khách hàng nâng cấp Sim 4G nhằm chiếm đoạt Sim của khách hàng bằng cách nhắn mã USSD hoặc làm giả giấy tờ của khách  hàng, sau đó đăng ký với nhà mạng để chiếm đọat Sim và thực hiện các giao dịch gian lận như rút tiền khỏi tài khoản, mua sắm và thanh toán online với các thiết bị điện tử đắt tiền…. sau khi nhận mã OTP từ Sim.

Ngoài ra, thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn mới đánh cắp OTP để thực hiện lấy dữ liệu rồi kết nối ví điện tử từ đó thực hiện rút tiền qua các ví điện tử. Cụ thể, lợi dụng việc thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của khách hàng liên kết với hầu hết các ví điện tử như Momo, ZaloPay, MOCA…, kẻ gian lợi dụng mời chào khách hàng vay vốn trực tuyến (online), rồi yêu cầu cung cấp các thông tin, hình ảnh như chứng minh nhân dân, số thẻ ngân hàng, ngày đến hạn, số CVV, mật khẩu OTP… Sau khi lấy được những thông tin này, chúng thực hiện mở ví điện tử đối với khách hàng chưa từng mở ví, rồi thực hiện mua sắm, thanh toán online chuyển qua ví điện tử khác để chiếm đoạt…

Nâng cao ý thức bảo mật thông tin cá nhân để tránh rủi ro

Theo các chuyên gia, để hạn chế các tra soát khiếu nại hay rủi ro từ thanh toán Internet, khách hàng lưu ý không để lộ thông tin mã giao dịch 1 lần OTP, số thẻ, ngày đến hạn và số CVV (thường ở mặt sau) của thẻ tín dụng. Nếu nghi ngờ phát sinh giao dịch gian lận, cần liên hệ các kênh chính thống của ngân hàng, tổ chức phát hành thẻ như tổng đài chính thức, email tiếp nhận khiếu nại… để được hướng dẫn khóa thẻ. 

Khách hàng cũng không tự nhập các thông tin này theo các đường link lạ được gửi đến email/số điện thoại/zalo/facebook... để tránh bị kẻ gian lợi dụng tiêu dùng qua thẻ. Ngoài ra, khách hàng không nên nhập và lưu thông tin về thẻ khi đăng ký các gói sản phẩm, dịch vụ mang tính chu kỳ như thanh toán hóa đơn.

Phản hồi về tình trạng gian lận giao dịch điện tử và thẻ tín dụng hiện nay, FE Credit - công ty tài chính đi đầu về sản phẩm thẻ tín dụng chia sẻ: “Hầu hết các hình thức gian lận hiện nay đều nhằm mục đích đánh cắp OTP hoặc chiếm đoạt Sim của khách hàng, từ đó xác nhận các giao dịch gian lận và thực hiện rút tiền, thanh toán, mua sắm online qua thẻ của khách hàng. Do đó, khách hàng tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai. Nếu có phát sinh nghi ngờ, cần lập tức khóa thẻ và liên hệ với tổ chức phát hành thẻ để được hỗ trợ”.

Công ty tài chính này cũng cho biết hiện nay các chủ thẻ tín dụng FE Credit có nhiều phương thức khóa thẻ khẩn cấp khi cần thiết như thao tác qua Zalo, ứng dụng FE Online, hoặc qua “Chat tự động” trên website www.fecredit.com.vn và thao tác qua SMS bằng cú pháp: KT<khoảng cách> <4 số cuối thẻ> gửi 8083. 

Công ty cũng khẳng định việc bảo mật thông tin khách hàng và an ninh hệ thống, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu của FE Credit.

Xuân Thạch