- Những trận đánh diễn ra trên đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ được xem là cam go, quyết liệt nhất khi địch và ta giằng co để giành phần thắng quyết định (*).

A1 - Vị trí then chốt

Đồi A1 là vị trí có tầm quan trọng bậc nhất, là điểm cao then chốt trong dãy điểm cao phòng ngự phía Đông tập đoàn cứ điểm. Chiếm được A1, ta có thể uy hiếp mạnh mẽ và phong tỏa khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, khống chế vùng trời, thu hẹp phạm vi thả dù tiến tới triệt hẳn việc tiếp tế đường không của địch.

{keywords}
Bản mệnh lệnh cho nổ quả bộc phá 1.000kg trên đồi A1 vào lúc 20h30 ngày 6/5/1954. Ảnh tư liệu

A1 còn là bàn đạp rất tốt để đánh vào khu trung tâm Mường Thanh. Trên đồi A1 có nhiều tuyến chiến hào giao thông liên hoàn. Tất cả các lô cốt và hầm trú ẩn đều có nắp dày chịu được đạn pháo và cối.

Dựa vào địa thế tự nhiên địch chia làm 3 tuyến phòng thủ. Ngoài cùng là tuyến chủ yếu, tuyến trung gian có đặt trận địa hỏa lực, tuyến trong cùng ở mỏm đồi cao nhất là tuyến cố thủ và sở chỉ huy. Bên ngoài đồn có 5 lớp rào dày trên 100m, xen kẽ nhiều mìn.

Ngoài ra A1 còn được sự chi viện trực tiếp của hỏa lực mạnh và lực lượng cơ động trong tập đoàn cứ điểm.

Để tiến công A1, Trung đoàn 174 - Đại đoàn 316 được tăng cường 1 đại đội súng cối 120, 1 đại đội sơn pháo 75 và được sự chi viện của 1 đại đội lựu pháo 105 ở Pú Hồng Mèo. Trung đoàn 174 sử dụng Tiểu đoàn 249 làm nhiệm vụ chủ yếu đánh từ hướng Đông vào các khu A, B, C, Tiểu đoàn 251 đánh vào khu A từ hướng Đông Nam, rồi phát triển sang khu D; Tiểu đoàn 255 làm lực lượng dự bị.

Hầm ngầm và khối bộc phá 1.000kg


Từ đêm ngày 1 đến sáng 3/4, trên đồi A1 diễn ra nhiều trận chiến đấu. Hai trung đoàn đã sát cánh chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt nhiều quân địch. Tuy vậy, bộ đội ta cũng bị thương vong nhiều. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định dừng tiến công.

Để chuẩn bị tiếp tục đánh chiếm A1, Đại đoàn 316 tổ chức đào 3 đường hào. Lúc này một vấn đề quan trọng trong kế hoạch tiến công A1 thu hút tâm sức các đồng chí lãnh đạo chỉ huy Đại đoàn và Trung đoàn 174 là tìm ra cách đánh hầm ngầm.

Nhiều phương án được đưa ra bàn bạc. Cuối cùng kế hoạch đào một đường hầm từ trận địa ta đến chân hầm địch, rồi dùng một lượng thuốc nổ 1.000 kg đánh sập hầm được Bộ Chỉ huy Đại đoàn nhất trí và báo cáo lên Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Đường hào đào vào càng sâu, ta càng gặp khó khăn về kỹ thuật, do thiếu ánh sáng và không khí. Bằng cố gắng và nỗ lực rất cao, đường hầm đã hoàn thành đúng kế hoạch. Đến cuối tháng 4/1954, mọi công tác chuẩn bị cho đợt tiến công mới đã hoàn tất.

2 gọng kìm

Ngay đêm đầu tiên chiến đấu của đợt 3, Đại đoàn 316 đã tiêu diệt được các mục tiêu của địch.

Đến đêm ngày 3/5, Đại đoàn 308 diệt cứ điểm 311B ở phía Tây. Từ đây quân ta từ hai phía Đông và Tây Mường Thanh tạo thành hai gọng kìm kẹp chặt khu trung tâm. Địch đứng trước nguy cơ bị tiêt diệt đã có dấu hiệu mở đường máu để rút chạy. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang tổng công kích trên toàn mặt trận. Đại đoàn 316 tiếp tục đánh A1, C2. Đây là hai điểm cao then chốt cuối cùng của tập đoàn cứ điểm.

{keywords}
Đồi A1 ngày nay. Ảnh: Cẩm Quyên

Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ thị cho các đơn vị “sẵn sàng nắm thời cơ, khi có điều kiện chuyển sang tổng công kích ngay và phải bao vây chặt không cho địch rút chạy”. Thời gian nổ súng của toàn mặt trận được ấn định là 20 giờ 30 phút ngày 6/5, lấy tiếng nổ của 1.000 kg bộc phá trên A1 làm hiệu lệnh tiến công.

Ở A1 địch chống cự quyết liệt, hy vọng chờ quân tiếp viện từ Mường Thanh lên. Các mũi của ta chưa đánh được tới mục tiêu quy định. Đến 4 giờ 30 sáng ngày 7-5, Trung đoàn 174 đã đập tan hoàn toàn sức kháng cự của địch, làm chủ A1, đồng thời tích cực chi viện cho Trung đoàn 98 tiến công A3 và sẵn sàng đánh địch phản kích ở A1, phối hợp với Tiểu đoàn 439 đập tan kế hoạch tăng viện của địch cho C2.

Như vậy sau một đêm chiến đấu, Đại đoàn 316 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm A1, C2 và A3, trong đó 2 điểm cao A1 và C2 là hai điểm cao phòng ngự then chốt cuối cùng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Nắm vững thời cơ, Bộ chỉ huy chiến dịch phát lệnh tổng công kích. 15 giờ ngày 7/5, pháo ta ầm ầm trút đạn xuống quanh hầm chỉ huy của Đờ Cát. Bộ binh ta từ bốn phía giáp công, tiến đến đâu quân địch đều khiếp vía kéo cờ đầu hàng.

Đại tá Trần Minh Phong

* Tít, tiêu đề phụ do VietNamNet đặt. Nội dung bài viết của Đại tá Trần Minh Phong, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 đã được biên tập ngắn gọn so với bản gốc