Điều đó cũng có nghĩa là những người hàng xóm sẽ phải sống chung với tiếng ồn và cùng chịu đựng “nỗi đau” với căn hộ cạnh nhà. Và thế là “cuộc chiến chung cư” nổ ra giữa các chủ căn hộ, “các yếu tố ngoại cảnh” và những người hàng xóm.
Cuộc chiến nấm mốc
Nấm mốc là câu chuyện muôn thuở của các căn hộ chung cư. Đám nấm mốc chỉ chờ đến khi những giấy tờ cuối cùng được ký kết để bàn giao nhà cho chủ sở hữu hoặc người thuê nhà là bùng phát. Trước đó, người chủ tương lai của căn hộ, bằng mắt thường, không thể nhìn thấy được những mầm mốc bí hiểm trốn đâu đó trong căn hộ còn thơm mùi sơn mới. Không ai có thể giải thích được tại sao điều này chỉ xảy ra khi căn hộ có chủ mới.
Làm sao để chủ nhà biết được nấm mốc đã đến độ trầm trọng, không thể phớt lờ? Là khi các bức tường bắt đầu xuất hiện hoa văn giống như đáy của một chiếc bể cá bị lãng quên từ lâu khiến lớp tảo lên xanh rì; là khi con mèo cưng của bạn bắt đầu nôn ra đống dãi màu xanh; là khi quần áo treo trong tủ ố màu vàng cam.
Và còn một điều khiếp đảm của gia đình tôi là chứng “ho chung cư” bí hiểm không bao giờ dứt, bất chấp mọi loại kháng sinh liều cao, si-rô hay thậm chí là whisky loại mạnh nhất.
Thác nước trong nhà
Nếu nấm mốc còn chưa đủ khiến gia chủ thấy kinh hoàng, thì hãy nghĩ đến việc nước nhỏ giọt từ góc này đến góc kia trong nhà. Và có ai dám nói chắc sẽ không có một "cơn sóng thần" bùng phát bất kỳ lúc nào.
Những nơi dễ rò rỉ nước nhất trong nhà phải kể đến là phòng tắm, nhà bếp, phòng giặt, phòng ngủ, phòng khách, phòng làm việc, tủ quần áo, khu vực để máy điều hòa và ban công. Những nơi còn lại, nếu còn, thì an toàn. Câu chuyện là cứ phòng nào cần có nước thì không có và phòng không cần có nước thì lại có.
Nhưng nước rò rỉ bằng cách nào và tại sao lại rò rỉ? Chỉ cần trên tường có một lỗ hổng hay một vết nứt là nước rò qua. Ban đầu bạn sẽ thấy có nước nhỏ giọt và chẳng bao lâu vài giọt nước sẽ sớm thành dòng, thành thác.
Thực sự tài tình là không hiểu bằng một phép màu nhiệm nào mà dòng nước luôn tìm ra những kẽ nứt để luồn lách vào nhà bạn. Để rồi kết quả sau đó là biết bao điều tai hại. Và đến khi bộ sưu tập bộ ba ông Phúc - Lộc - Thọ mà bạn yêu quý cũng bị ngấm nước hỏng thì thực sự là thiệt hại mọi mặt.
Trong hầu hết các tình huống rò rỉ thì cuối cùng nguồn nước chính là từ nhà hàng xóm tầng trên nhà bạn. Lúc này bạn có cảm giác như có một khối bom mang tính sát thương cao đang treo lơ lửng trên đầu mình.
Thế rồi bạn thử đoán xem, chuyện gì xảy ra khi bạn lò dò lên gõ cửa nhà hàng xóm hỏi chuyện nước nôi. Bạn bấm chuông và căng thẳng chờ đợi.
Cửa mở, chủ nhà ngó đầu qua khe cửa và nói: “Xin lỗi, tôi không nói được tiếng Việt", hay “không phải nước rò từ nhà tôi đâu, chúng tôi trên này không dùng gì đến nước, chỉ uống bia thôi”. Cũng có khi là: “Anh nói nước gì cơ, còn nấm mốc ấy hả, nắng lên là hết ngay thôi”. Rồi thì: “Vậy chắc là nước rò từ khoảng tầng 10 ngược lên đấy, anh xuống hỏi họ nhé!”.
Hoặc đơn giản là một khuôn mặt đầu tóc bù xù, mắt sưng vù: “Biến đi!”. Và thế là không cần nghi ngờ gì nữa, thủ phạm rò rỉ nước ở đây rồi.
Mối mọt và các cô nàng thạch sùng làm biếng
Có lẽ rất nhiều cư dân chung cư có câu hỏi giống tôi, bằng cách nào mà đàn mối đông nghịt có thể hành quân từ tầng hầm lên đến căn hộ tầng 30? Và tại sao những cô nàng thạch sùng đóng đô trong căn hộ của bạn lại không chịu ngấu nghiến đám côn trùng gây hại này ngay khi chúng vừa xuất hiện?
Từ kinh nghiệm đau thương với mối mọt của gia đình tôi, tôi cho rằng những ụ mối trong nhà còn kinh khủng hơn cả nấm mốc và rò rỉ nước. Cuộc tấn công của chúng không khác gì một trận chiến trong phim “Xác sống”.
Tu sửa không ngừng
Người Việt Nam rất chăm tu sửa, cải tạo, tân trang nhà cửa. Nói cho đúng hơn là gia chủ luôn có lý do chính đáng, ví như xử lý những mảng tường hư hỏng do bị rò rỉ nước hay nấm mốc, mối mọt.
Nhưng cũng phải kể đến một số người có sở thích sửa nhà cho vui. Điển hình là những tháng giáp Tết. Dịp này phải gọi là “ngày hội sửa nhà”. Gần như tất cả các căn hộ trong toà nhà của chúng tôi đều trong tình trạng đang được tu sửa. Lý do là gia chủ muốn căn hộ của mình gây ấn tượng với họ hàng, bạn bè và người quen đến thăm trong dịp Tết.
Tết nào cũng vậy, họ sửa nhà không cần lý do nấm mốc, rò rỉ nước hay mối mọt. Chỉ đơn giản là vì gia chủ không muốn họ hàng, bạn bè nghĩ rằng họ đã sống cả năm qua trong căn hộ cũ kỹ, phong cách nhàm chán, đồ đạc lạc mốt. Và ai lại cứ đi lại mãi trên cùng một mặt sàn gỗ cả năm trời với đầy vết xước như thế. Nhất định họ phải róc sàn lên ốp lại, rồi năm sau, năm sau nữa, năm sau nữa… cũng thế!
Một dịp nữa để cải tạo là khi chủ căn hộ muốn bán hoặc cho thuê. Nhà càng sửa kỹ thì giá bán/thuê càng cao. Nhưng việc này nhiều khi thực sự đi quá xa. Có những căn hộ được rao bán, cho thuê liên tục, có khi đến cả chục lần trong vòng 10 năm. Đấy bạn tính đi, 10 năm 10 lần sửa chữa cải tạo.
Vấn đề là có cần thiết đến mức như vậy không? Việc sơn lại màu mới cho cả căn hộ có thực sự là điều quan trọng đối với người chủ/người thuê mới không, khi thực tế đã chứng minh chỉ sau 1 tháng, tường lại loang lổ mốc đen, mốc xanh? Hay liệu bạn có chắc chắn rằng chiếc bồn cầu mới thay sẽ không bị rò rỉ và làm ngấm nước xuống trần của nhà hàng xóm tầng dưới?
Ô nhiễm tiếng ồn
Hậu quả của những đợt tu sửa căn hộ là tình trạng ô nhiễm tiếng ồn.
Người Việt quen sống trong tiếng ồn suốt ngày đêm, từ sáng sớm đến canh thâu, từ việc xây nhà, sửa cửa, xe cộ đi lại đến karaoke... Và đêm đến thì có đua xe máy, xe tải hú còi… Nhưng đó là việc khách quan, nằm ngoài sự kiểm soát của chủ thể. Còn tiếng ồn phát ra từ căn hộ hàng xóm lại là một câu chuyện khác.
Sửa nhà dù ít dù nhiều đều nhất định phải dùng đến các dụng cụ chạy điện, máy khoan, máy chà nhám, máy hút bụi công nghiệp… Các dụng cụ này cứ di chuyển từ phòng nọ đến phòng kia với công suất tối đa. Tiếng ồn phát ra giống y hệt tiếng ồn tại một bãi thử vũ khí hạt nhân. Kể cả những chiếc nút lỗ tai loại tốt nhất cũng đầu hàng. Thợ thì cứ chạy máy khoan hàng giờ liền. Ngay cả phần việc không cần đến khoan nhưng tiện thiết bị sẵn có, họ vẫn dùng cho khỏi lãng phí. Liệu có phải họ đang ăn lương theo giờ, chứ không phải lương khoán chăng?
Những người thợ rất thích thú khi ngừng khoan đột ngột. Ý định của họ là tạo ra cảm giác hy vọng cho những người hàng xóm rằng việc khoan cắt đã đến hồi cuối. Nhưng ngay khi những "nạn nhân" bắt đầu thư giãn thì tiếng ồn lại bắt đầu, thậm chí cường độ còn lớn hơn. Và đôi khi, để phá bỏ thế độc quyền của các dụng cụ chạy điện, nhóm thợ sẽ chuyển sang dùng búa làm công việc phá dỡ. Nghe tiếng búa đập có nhịp điệu là biết các chú thợ đang rất say sưa với công việc này.
Đến cuối ngày thì những người hàng xóm đã trở nên mệt lử, tai ù đặc và chân tay run rẩy, mất kiểm soát. Chưa kể việc căn hộ của họ được khuyến mại thêm lớp bụi bê tông lẫn bụi nấm mốc và đôi khi còn thêm cả đàn mối chạy khỏi chốn cũ tìm đường xâm nhập vào nhà họ.
Các chung cư đều có quy định hạn chế ô nhiễm tiếng ồn với khung giờ sửa chữa từ 8h sáng đến 5h chiều. Các hoạt động này bao gồm việc vận chuyển hàng tấn xà gồ và các vật liệu xây dựng lên xuống thang máy. Mặc dù toà nhà nào cũng có thang máy vận chuyển hàng hoá riêng, nhưng các chú thợ luôn cố gắng tận dụng công suất tối đa. Điều này đã tạo cơ hội cho các chuyến viếng thăm của công ty sửa chữa thang máy. Và đây chính là lý do tại sao hầu hết các tòa nhà chung cư luôn có ít nhất một thang máy trong tình trạng đang sửa chữa, bảo trì.
Quy định cũng có điều khoản phạt người vi phạm. Nhưng một khoản phạt nhỏ cũng đáng để một số người sẵn lòng nộp, miễn sao thợ có thể khoan đục suốt 24 tiếng một ngày. Và một số khác thì vừa làm quá giờ vừa không nộp phạt.
Với những người này, khi hàng xóm sang gõ cửa để phàn nàn về tiếng ồn thì sẽ nhận được câu trả lời ráo hoảnh: “Tiếng ồn gì vậy? Sao tôi có nghe thấy gì đâu nhỉ?”; “Ồ, chắc đó là tiếng ồn từ tầng áp mái thôi”; “Nhà tôi đang phải sửa chữa khẩn cấp”. Cũng nhiều người sẽ trả lời rằng: “Anh xem lại tai mình đi, đi gặp bác sỹ nhé!”. Và đôi khi còn có cả sự thách thức: “Ồn thì sao, xin mời anh cứ khiếu nại!”.
Và bạn vừa chợt nhận ra ông chú của gia đình này là trưởng ban quản trị tòa nhà.
Câu trả lời xuất sắc nhất từ những thủ phạm gây tiếng ồn là “không phản hồi”. Khi bạn sang gõ cửa để phàn nàn, đột nhiên mọi tiếng ồn trong căn hộ tắt lịm, kể cả tiếng tivi bạn vừa nghe rõ mồn một lúc trước. Bạn đi về và khi quay lại, phản ứng lại y hệt. Bạn hét lên qua cửa: “Tôi nghe rõ tiếng tivi đấy!”. Và đột nhiên lại không có tiếng tivi nữa, mọi thứ rơi vào im lìm.
Có một điều là chủ các căn hộ đang sửa chữa sẽ tìm mọi cách tránh tiếp xúc với hàng xóm trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng để tránh nghe những lời phàn nàn hay những cuộc đối đầu giận dữ. Khi việc khoan đập cuối cùng cũng chấm dứt, cửa nhà hàng xóm mở rộng đúng lúc bạn đi ngang qua, bạn liếc mắt vào và vờ như vô tình thốt lên đầy ngưỡng mộ: “Chà, nhà mới sửa quá đẹp, cũng bõ công ồn ào bao lâu nhỉ?”. Người hàng xóm bình thản đáp lời: “Nhà mới gì đâu, vẫn thế suốt chục năm nay rồi mà”.
Tất nhiên, cũng có một số cánh cửa mà cho dù tiếng ồn trong đó khủng khiếp đến mức nào bạn cũng không bao giờ nên gõ để phàn nàn. Nói thế chắc bạn đã hiểu.
Và điều quan trọng nhất là phàn nàn cũng chả có ích gì. Cứ luôn nhớ rằng, bạn đang sống ở một đất nước nhiệt đới, không có việc sửa nhà thì vốn dĩ cũng đã ồn ào, náo nhiệt rồi!
Sự trả thù ngọt ngào
Không rõ vì một lý do nào đó, trong suốt hơn chục năm qua, căn hộ của chúng tôi chỉ bị nấm mốc, rò rỉ nước và mối mọt ở cấp độ nhẹ. Và hàng xóm thì tốt bụng, chia sẻ chi phí và sẵn lòng cùng sửa chữa. Họ cũng chưa bao giờ gây ồn ào quá mức.
Nhưng thật không may, cuối cùng chúng tôi đã phải hứng chịu một thảm họa khi cả gia đình trở thành dàn “đồng ho”. Những cơn ho dai dẳng, khó chịu, mệt mỏi không dứt, kèm theo đó là những nốt mẩn ngứa ngoài da. Có vẻ như nấm mốc cuối cùng đã xâm nhập sâu vào căn hộ của chúng tôi và việc can thiệp, khắc phục lần này không còn là việc nhỏ nữa. Hệ quả là chúng tôi trở thành “thủ phạm gây ồn”.
Giờ thì tôi đã có thể vui mừng để thử vài cách trả lời khi có người gõ cửa phòng phàn nàn. Quan trọng nhất là tôi đảm bảo không vi phạm quy định sửa chữa từ 8h sáng đến 5h chiều. Tôi cứ thắc thỏm chờ nghe tiếng chuông cửa, trong đầu đã thuộc lòng những câu trả lời được lập trình sẵn.
"Chà, giờ mà ra mở cửa và nói: 'Tiếng ồn gì cơ', 'nấm mốc gì cơ' hoặc 'nước rò rỉ nào ấy nhỉ' thì cũng ngầu đấy!", tôi nghĩ bụng vậy. Nhưng rồi chả có ai bấm chuông, chả có ai phàn nàn gì cả. Chuyện gì thế này nhỉ?
À, tôi đã quên mất - tôi đang sống ở một đất nước nhiệt đới - sôi động và náo nhiệt!