Xác nhận với VietNamNet sáng nay, PGS.TS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM - thông tin GS Phạm Phụ qua đời tối hôm qua ở tuổi 85.
NGND, GS.TS. Phạm Phụ sinh ngày 11/12/1937 tại Quảng Ngãi. Ông tốt nghiệp Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội ngành “Công trình trên sông và trạm thuỷ điện” năm 1960. Từ năm 1976, ông chuyển vào Nam và công tác tại Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Ông đã nhận được các danh hiệu cao quý như giáo viên giỏi cấp bộ, chiến sĩ thi đua, Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động hạng 3...
PGS Mai Thanh Phong nhìn nhận GS Phạm Phụ là người rất tâm huyết với giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH Việt Nam nói chung và giáo dục của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nói riêng. Ông là người có công lớn nhất trong việc hình thành (người sáng lập) nên ngành Quản lý công nghiệp và hiện giờ là Khoa Quản lý công nghiệp của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Theo PGS Mai Thanh Phong, để sáng lập một ngành quản lý trong trường kỹ thuật lúc bấy giờ là sự đột phá rất lớn. Sau sáng lập, ông cũng có công đưa đưa ngành này vượt qua nhiều thử thách và phát triển như hiện nay. Điều đấy cho thấy sự tâm huyết của GS Phạm Phụ đối với ngành, với trường.
Một số công trình tiêu biểu của GS Phạm Phụ là: Tối ưu bậc thang Thủy điện, Phản biện dự án thuỷ điện Sơn La; Nghiên cứu khả thi bổ sung Thủy điện Nam Thuen 2 của CHDCND Lào; Quy trình vận hành tối ưu hệ thống thuỷ điện Trị An - Đa Nhim…
Ông cũng được nhiều tổ chức quốc tế mời chủ trì và tham gia nghiên cứu một số đề tài có liên quan đến Việt Nam như: Ảnh hưởng của tự do hoá giá cả và cải cách thị trường đến nông dân và kinh tế nông thôn ở Việt Nam, Phát triển tài nguyên con người phục vụ phát triển nguồn nước đồng bằng sông Cửu Long...
Là người tâm huyết với giáo dục, sinh thời, GS Phạm Phụ từng đóng góp nhiều ý kiến nhằm cải tiến giáo dục. Theo ông, giáo dục là "học để biết, để làm, để sống với nhau và để làm người" chứ không phải học chỉ để làm.
"Vấn đề cơ bản là hiện nay nhiều sinh viên học như một nghĩa vụ và có chịu khó học, chứ chưa phải là "ham muốn biết". Mà chỉ có "ham muốn biết" mới có thể "học tập suốt đời". Còn việc cải cách giáo dục hiện nay thì mới ở mức chiến thuật, đối phó, chứ chưa phải là một chương trình hành động có tính chiến lược. Nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học phải được đổi mới một cách thực sự, phải làm sao để phát huy được tiềm năng của con người Việt Nam”.
Cũng theo GS Phạm Phụ, đối với giáo dục đại học, triết lý của Hội đồng trường là “tạo ra sự thay đổi” (make a change), còn triết lý của hiệu trưởng là “giữ trong trật tự” (Keep in order).
"Nếu không có Hội đồng trường đúng nghĩa thì giáo dục đại học Việt Nam không đổi mới được. Và tất nhiên, mức độ tự chủ có một “phổ” rất rộng, không phải đại học nào cũng có đầy đủ quyền tự chủ và mức độ ở các nội dung tự chủ cũng khác nhau. Và, đổi mới càng cơ bản thì càng phải bài bản và có lộ trình"...
GS Phạm Phụ nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1990, Nhà giáo Nhân dân năm 2002. Ông từng được biệt phái làm chuyên viên của Việt Nam tại Ban thư ký, Ủy ban quốc tế Mê-kông, Bangkok, Thái Lan (3/1986 – 12/1988). Trưởng khoa Quản lý công nghiệp, trường ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM (1991-1996). Đại biểu Quốc hội (1992-1997). Chủ tịch hội đồng quản trị, Ban Quản lý dự án khu Công nghệ cao TP.HCM (1997 – 1999). Phó trưởng ban, Ban quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất TP.HCM (1996 - 2000). Ông cũng từng là thành viên của nhiều hội đồng, hội đoàn như: Hội đồng chỉ đạo SAV, Hội đồng cố vấn Trung tâm Viện công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AITCV), Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á của TP.HCM, Hội đồng khoa học kinh tế – quản lý của Bộ xây dựng, Hội đồng phong học hàm quốc gia liên ngành Xây dựng – Thuỷ lợi – Cầu đường... và nhiều hội đồng thẩm định dự án Quốc gia... |