Giáo sư Văn Tần (1932-2023) là người con của đất Quảng Trị, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM). Suốt cuộc đời thầy thuốc, đây cũng là bệnh viện duy nhất mà ông gắn bó và cống hiến.
Giáo sư Văn Tần qua đời ngày 4/9 ở tuổi 92 nhưng thời gian làm việc kéo dài đến tận những tháng cuối cùng. Tháng 4 vừa qua, ông tham dự và phát biểu chuyên môn tại Hội nghị khoa học công nghệ Bệnh viện Bình Dân lần thứ 20. Giáo sư gặp một tai nạn ngã gãy xương và sức khỏe yếu dần.
Chia sẻ với VietNamNet, Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM kể về bậc đàn anh thân thiết: "Ông là người đồng nghiệp rất thân thương, rất lâu dài, là một người chân thành và nhiệt tình. Tôi vô cùng kính mến”.
Trong ký ức của Giáo sư Chấn Hùng, Giáo sư Văn Tần có phong thái nghiêm túc từ giao tiếp đến cách làm việc. Ông cũng nổi tiếng là bác sĩ làm việc miệt mài, cần mẫn bất kể thời gian và tuổi tác, cống hiến cho đến tận cuối đời. Lý giải sức lao động đáng nể của bậc đàn anh, ông Hùng tiết lộ ngoài thời gian làm chuyên môn, Giáo sư Văn Tần vẫn làm vườn, cuốc đất, trồng cây.
Năm 2022, hai vị bác sĩ già cùng tham dự một hội thảo tại Cần Thơ. Tại đây, Giáo sư Tần đã có bài báo cáo, chia sẻ chuyên môn cùng các đồng nghiệp trẻ trong dáng vẻ rất "đơn sơ": Đi dép, áo bỏ ngoài thùng.
Trên Facebook cá nhân, Phó giáo sư, bác sĩ Lê Chí Dũng (một đàn em đồng hương Quảng Trị) chia sẻ Giáo sư Văn Tần nổi tiếng là vị bác sĩ làm việc không nề hà, vô vụ lợi, phẫu thuật không mệt mỏi. Suốt cuộc đời, Giáo sư Văn Tần không mở phòng mạch, ở bệnh viện bất kể là ngày hay đêm, toàn tâm toàn ý lo cho người bệnh.
“Anh là người không đam mê quyền lực. Anh đã từ chối chức Giám đốc Bệnh viện Bình Dân khi lãnh đạo thành phố yêu cầu. Anh nói bản thân thích lo điều trị mổ máy, nghiên cứu, đào tạo giảng dạy nên chỉ nhận làm Phó giám đốc chuyên môn. Khối lượng công việc lớn, hiệu quả cao, tâm huyết với nghề nên anh được mọi người tôn trọng, đánh giá cao. Anh là nhân vật rất hiếm hoi đạt được bộ 3 danh hiệu Giáo sư - Thầy thuốc nhân dân - Anh hùng lao động”, Phó giáo sư Lê Chí Dũng bày tỏ.
Phó giáo sư Dũng cũng cho rằng có lẽ do tính cách làm việc cẩn thận, tỉ mỉ, không ngại khó, không ngại khổ của người Quảng Trị mà Giáo sư Văn Tần và ông rất quý mến nhau.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Công Minh, nguyên Trưởng bộ môn Ngoại ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng chia sẻ hình ảnh Giáo sư Văn Tần suốt đời hăng say, gắn bó với ngành y luôn là niềm cảm hứng cho các y bác sĩ tại Bệnh viện Bình Dân. Khi đàn em đối mặt với tai biến trên bàn mổ hay biến chứng sau mổ, Giáo sư Văn Tần không trách móc, mắng mỏ. Ông luôn là một cố vấn nhẹ nhàng và bao dung. Tại các cuộc họp giao ban, Giáo sư Văn Tần luôn nêu ra những đề xuất, ý kiến mà bản thân trải nghiệm trong nửa thế kỷ với chuyên ngành ngoại khoa.
Còn Giáo sư Lê Quang Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân luôn cảm phục Giáo sư Văn Tần vì không quản ngày đêm đối với những ca cấp cứu khó mà đàn em mời tham vấn. Trong ký ức, ngày Giáo sư Nghĩa mới vào nội trú thì thầy Văn Tần đã là Trưởng khoa Ngoại tại Bệnh viện Bình Dân.
Tất cả nhân viên và người bệnh tại đây đều thuộc lịch trình làm việc rất đặc biệt của Giáo sư Văn Tần. Ngày nào ông cũng đến bệnh viện từ 5h sáng để thăm khám cho người bệnh, nhất là những ca phức tạp, để lưu ý cho các bác sĩ điều trị trong giờ giao ban. Ông dành nhiều thời gian trong phòng làm việc để nghiên cứu và viết sách. Khi Giáo sư Văn Tần rời bệnh viện về nhà, thành phố cũng lên đèn.
"Ngày Giáo sư Văn Tần qua đời là ngày đau buồn nhất của toàn thể Bệnh viện Bình Dân", Giáo sư Lê Quang Nghĩa chia sẻ.