Giao thông Hà Nội lúc 7h40 tại 4 nút giao có hầm chui cơ giới
Sau khi Hà Nội có 4 nút giao được xây dựng hầm cơ giới, cảnh tượng xe cộ qua lại ở đây mỗi ngày một vẻ. VietNamNet ghi nhận tình hình giao thông ở các công trình này vào giờ cao điểm sáng 6/10.
7h40 tại nút giao Trung Hòa. Các phương tiện từ hướng đại lộ Thăng Long qua ngã tư Trần Duy Hưng - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến để vào trung tâm thủ đô. Ảnh: Hoàng Hà.
Cùng thời điểm đó tại ngã tư Lê Văn Lương - Tố Hữu, nơi có công trình hầm chui 700 tỷ đồng vừa thông xe hôm qua (6/10). Ảnh: Thạch Thảo.
Cảnh tương tự tại nút giao lớn nhất Hà Nội, Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến. Hôm nay, khu vực này thông thoáng hơn so với mọi khi. Ảnh: Anh Nguyễn.
7h40 tại nút giao Đào Duy Anh - Giải Phóng - Đại Cồ Việt - Lê Duẩn. Nơi đây có công trình hầm chui đầu tiên của Hà Nội (hầm Kim Liên), thường xuyên bị ùn ứ xe cộ vào giờ cao điểm, đặc biệt là lúc trời mưa. Ảnh: Tùng Đoàn.
Hầm chui Trung Hòa. Từ 7h30-8h sáng là thời điểm lưu lượng phương tiện trên đường phố Hà Nội rất đông đúc, đặc biệt là hướng từ vùng ven vào các quận trung tâm. Nút giao Trung Hòa - đại lộ Thăng Long là một trong những điểm đen ùn tắc giao thông hàng ngày ở thủ đô. Ảnh: Thạch Thảo.
Trong khoảng từ 7h30 đến 8h ngày 6/10, mỗi nhịp đèn tín hiệu chuyển màu đỏ, hầm Trung Hòa lại ùn ùn xe cộ, nhưng không bị kẹt cứng như những ngày khác vào cùng thời điểm buổi sáng. Ảnh: Hoàng Hà.
Sở dĩ lượng xe bị dồn lại ở cửa hầm Trung Hòa là do phía trước có ngã tư Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám. Nút giao này tuy có cầu vượt thép nhưng không đủ giúp ôtô, xe máy chạy nhanh hơn. Ảnh: Hoàng Hà.
Ngoài ra, nút giao đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng còn liên tục xuất hiện cảnh ùn ứ ôtô hướng từ ngoại thành vào trung tâm. Phần lớn nguyên nhân là do các xe tải nối đuôi nhau rẽ phải để lên đường Vành đai 3 trên cao. Ảnh: Thạch Thảo.
Hầm chui Lê Văn Lương. Sáng qua (5/10) hầm chui thứ 4 của Hà Nội chính thức khánh thành nhưng bị ùn tắc hướng từ quận Hà Đông vào trung tâm thủ đô. Nguyên nhân là một hệ thống rạp để tổ chức buổi lễ dựng lên chắn một chiều đường, BTC chỉ cho thông xe một chiều khiến nhiều ôtô mất từ 30 - 45 phút mới thoát qua nút giao này. Nhưng từ chiều cùng ngày đến sáng nay, cảnh tượng đó có tiến triển hơn (trong ảnh). Ảnh: Thạch Thảo.
Hầm Lê Văn Lương không tắc nhưng các phương tiện dồn ứ ở từ ngã tư phía trên (Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân). Ảnh: Thạch Thảo.
Cũng tại nút giao Lê Văn Lương - Tố Hữu - Khuất Duy Tiến, người đi ôtô, xe máy chỉ thoải mái vượt qua hầm chui, còn phía trên, tại chiều đường từ nút giao Trung Hòa sang, cảnh ùn ứ vẫn không thể tránh khỏi. Ảnh: Thạch Thảo.
Hầm chui Thanh Xuân. Nút giao Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến có 4 tầng lưu thông, là ngã tư lớn nhất Hà Nội. Hôm nay, người điều khiển phương tiện qua đây đã dễ thở hơn. Xe đi phía trên hầm chỉ dừng chờ đèn đỏ ít phút rồi thoát qua nhanh (vào thời gian cao điểm). Ảnh: Anh Nguyễn.
Cảnh tượng này được cho là nhờ hầm chui Lê Văn Lương cách đó không xa vừa khánh thành hôm qua giúp mật độ phương tiện giãn ra hơn. Nhiều người từ hướng quận Hà Đông vào trung tâm thủ đô có thể chọn cung đường Trần Phú - Nguyễn Trãi hoặc Tố Hữu - Lê Văn Lương. Ảnh: Anh Nguyễn.
Hầm Kim Liên. Lượng xe di chuyển qua hầm hướng Xã Đàn - Trần Khát Chân đông đúc hơn so với làn đường bên trên sáng nay. Ảnh: Tùng Đoàn.
Hầm Kim Liên đã nhiều lần bị ùn tắc nghiêm trọng do phía trên có ngã ba Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch, nơi nhiều phương tiện dừng chờ đèn tín hiệu. Ảnh: Tùng Đoàn.
Các phương tiện lưu thông qua nút giao Lê Duẩn - Giải Phóng - Đại Cồ Việt - Đào Duy Anh thoải mái trong giờ cao điểm sáng 6/10.