281 giáo viên từng là hiệu trưởng, hiệu phó ở các trường học thuộc 19 huyện, thị tại tỉnh Nghệ An được biệt phái trong 3 năm, làm việc tại các phòng GD-ĐT. Hiện nay, họ không chỉ bị cắt tiền phụ cấp, còn bị truy thu với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Nhiều cán bộ, giáo viên chia sẻ là đã rất sốc trước thông tin này. Ông Nguyễn Quang Tuấn, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), chia sẻ, bản thân nguyên là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Lống, được điều động làm việc tại phòng GD-ĐT từ tháng 5/2021.

Thời gian biệt phái đã gần 3 năm, ông Tuấn rất buồn khi nghe thông tin không được hưởng tiền trợ cấp hàng tháng như trước đây.

370137262-237799405945654-7344346565611053862-n-1.jpg
Giáo viên và học sinh ở huyện Thanh Chương, Nghệ An

“UBND huyện chưa có văn bản để truy thu số tiền chi sai. Tỉnh Nghệ An đang yêu cầu truy thu nhưng chưa nói rõ là những khoản nào cụ thể. Chúng tôi mới nghe là tạm dừng chi tiền trợ cấp cho giáo viên biệt phái đã rất buồn. Khi nghe tin bị truy thu số tiền đã hưởng 8-9 triệu đồng/tháng trong gần 3 năm qua, nhà giáo chúng tôi như người đi trên dây. Ai cũng rất chán nản” – ông Tuấn bộc bạch.

Nếu phải thực hiện theo kết luận của UBND tỉnh Nghệ An, nguồn thu nhập của các cán bộ, giáo viên này bị giảm rất nhiều. Ông Tuấn ví dụ mức lương của hiệu trưởng ở Mường Lống là 16 triệu đồng/tháng. Trường hợp không được nhận tiền phụ cấp, lương chỉ còn từ 8 – 9 triệu đồng/tháng.

Theo ông Tuấn, mức thu nhập so với trước chênh lệch quá lớn, thiệt thòi cho giáo viên nằm trong diện biệt phái về phòng GD-ĐT. Toàn huyện Kỳ Sơn có 8 người công tác biệt phái ở phòng GD-ĐT, trong đó, có 7 hiệu trưởng và 1 hiệu phó. Số tiền nếu phải truy thu lên đến gần 2 tỷ đồng ở địa phương này.

Quyền Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), ông Phạm Viết Phúc, cho biết, trước thông tin ngừng trợ cấp cho giáo viên biệt phái về phòng, UBND huyện Kỳ Sơn đã có văn đề xuất với tỉnh Nghệ An hỗ trợ các giáo viên.

“Thực tế, khi cán bộ ra tăng cường ở phòng GD-ĐT sẽ mất hết các quyền lợi ở nhà trường, không còn được hưởng trợ cấp biên giới. Cán bộ ra làm ở phòng GD-ĐT công việc nhiều hơn, không được nghỉ 3 tháng hè. Tiền đã chi tiêu từ nhiều năm qua, bây giờ lấy đâu để trả lại? Không ít người gia đình rất hoàn cảnh và có người đề xuất xin được trở lại trường” – ông Phúc thông tin.

Ngoài ra, Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn đề nghị, không thực hiện việc truy thu các chế độ phụ cấp với nhà giáo biệt phái làm các nhiệm chuyên môn ở phòng GD-ĐT. Việc làm này sẽ giúp giáo viên biệt phái yên tâm công tác, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

Như đã thông tin, từ năm 2012, để bố trí đủ công chức cho các Phòng GD-ĐT, UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện chủ trương đưa cán bộ, giáo viên tại các trường học về phòng GD-ĐT công tác. Thời điểm này, đa số các giáo viên đang giữ chức vụ hiệu trưởng, hiệu phó ở các trường học. 

Nhằm chi trả cho hàng trăm giáo viên trên 19 huyện, thành thị được biệt phái trên, nhiều năm liền, địa phương đã thực hiện theo hướng dẫn công văn số 6612 của UBND tỉnh Nghệ An.

Thế nhưng, đến năm 2018, Sở Tài chính Nghệ An có văn bản cho rằng, việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho hàng trăm cán bộ, giáo viên này là không đúng với tinh thần trong Quyết định số 42 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động công tác quản lý giáo dục.

Sở Tài chính Nghệ An cho rằng, công văn số 6612 không phải là văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh Nghệ An ban hành mà chỉ mang tính chất hướng dẫn. Việc UBND cấp huyện, thành, thị căn cứ văn bản trên để ban hành quyết định điều động, biệt phái viên chức về công tác tại phòng GD-ĐT, chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề là không đúng quy định.

Do vậy, ngày 9/2/2018, Sở Tài chính Nghệ An đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An hủy hoặc bãi bỏ công văn số 6612. Đồng thời chỉ đạo UBND cấp huyện, thị dừng chi trả các khoản nêu trên đối với giáo viên được điều động, biệt phái.

Thế nhưng, sau đó hầu hết các huyện, thị ở Nghệ An vẫn tiếp tục chi trả phụ cấp ưu đãi cho những viên chức biệt phái. Gần đây, ngày 12/1/2023, UBND tỉnh Nghệ An ban hành văn bản số 263 về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc biệt phái, hưởng chế độ phụ cấp giáo viên.

Tổng số tiền các loại phụ cấp đã chi trả không đúng cho 281 giáo viên trên ở Nghệ An là hơn 10 tỷ đồng. Đơn cử, huyện Kỳ Sơn số tiền gần 2 tỷ đồng; Thanh Chương hơn 1 tỷ đồng, Quỳ Châu trên 1,1 tỷ đồng, Tương Dương hơn 970 triệu đồng...