Lời tòa soạn:
Dự thảo về dạy thêm, học thêm được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến đến hết 22/10 làm dấy lên nhiều tranh cãi và câu hỏi, đặc biệt về nội dung không cấm giáo viên được dạy thêm ngoài trường. Quy định mới này có thể mang đến những thay đổi đáng kể cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, liệu nó sẽ góp phần cải thiện chất lượng giáo dục hay có thể tạo thêm những thách thức mới?
VietNamNet mở diễn đàn Góp ý cho Dự thảo về Dạy thêm học thêm, để lắng nghe và chia sẻ ý kiến từ mọi góc nhìn. Chúng tôi mời các thầy cô, phụ huynh, học sinh và những người quan tâm đến giáo dục tham gia viết bài, chia sẻ quan điểm và đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng.
Bài viết dưới đây là ý kiến của ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ quốc gia đổi mới GDPT, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) góp ý cho dự thảo này.
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), dạy thêm, học thêm giống như “cái bóng" của dạy chính khóa. Điều đó có nghĩa, dạy thêm, học thêm không bao giờ tự mất đi, luôn tồn tại song hành cũng như luôn bị chi phối bởi chương trình giáo dục chính khóa. Do đó, việc sửa đổi thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, ngày 16/5/2012 về dạy thêm, học thêm (Thông tư 17), cần bám sát vào hoạt động này hiện nay và dựa vào những quy định mới trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Về Điều 3 nói tới nguyên tắc dạy thêm, học thêm
Trước hết, thông tư dự thảo ghi nội dung dạy thêm, học thêm là “góp phần củng cố, nâng cao kiến thức”. Cụm từ này có trong Thông tư 17 hiện hành. Tôi thấy cần xem lại nguyên tắc, nên bỏ cụm từ này, bởi vì Chương trình GDPT 2018 đã thay đổi rất nhiều về mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá trong giáo dục, do đó dạy thêm, học thêm là cái “bóng” cũng phải thay đổi theo.
Nghị quyết 29/NQ-TW ghi, phải chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học. Dạy học bây giờ là dạy phát triển năng lực học sinh (dạy người), chứ không phải bồi đắp thật nhiều kiến thức hư văn, sách vở như quan niệm cũ (dạy chữ). Ngay lý luận dạy học cũng nhấn mạnh “cần đảm bảo kiến thức cơ bản vừa đủ”, ưu tiên dạy học phát triển năng lực học sinh, thông qua đổi mới phương pháp và hoạt động giáo dục. Nguyên tắc trong thông tư dạy thêm, học thêm rất quan trọng, không những định hướng cho các giải pháp và tổ chức, quản lý dạy thêm, học thêm mà còn ảnh hưởng lớn tới sự thành bại của mục tiêu chương trình giáo dục chính khóa.
Ngoài ra, các nguyên tắc đề cập tới “tự nguyện”, “không ép buộc” học sinh, “thời lượng, thời gian” và “địa điểm” phải phù hợp, “không quá tải hay không cắt giảm nội dung và dạy trước nội dung chính khóa”... rất thực tiễn và cấp bách. Tuy nhiên cần có giải pháp khả thi đi kèm, chúng ta tránh đưa ra nguyên tắc nhưng khó thực hiện rồi bỏ, hiệu quả thấp khi triển khai.
Về Điều 4 nói tới dạy thêm, học thêm trong nhà trường:
Điểm mới là tổ chức dạy thêm, học thêm “thông thoáng” hơn, không “bó” như Thông tư 17, thậm chí còn bỏ hẳn một điều cấm dạy thêm, học thêm.
Giáo viên và học sinh yên tâm được dạy thêm, học thêm ở ngay trường mình và chính thầy cô đang dạy chính khóa. Nhưng những điểm mới này làm tôi lo xa bởi có thể sẽ biến nhà trường, vô hình chung, có hai chương trình dạy học: Chính khóa và dạy thêm cùng tồn tại và được tổ chức tại một cơ sở giáo dục.
Một chương trình chính khóa, người dạy hưởng lương của nhà nước; một chương trình dạy thêm, có phí do cha mẹ học sinh đóng góp. Như vậy khi dạy thêm đã được hợp lý hóa trong các cơ sở giáo dục, chúng ta có thể chống lại nạn dạy thêm tiêu cực, đang tràn lan không? Vẫn biết dạy thêm vốn là văn hóa ở Việt Nam và các nước Đông Á nên rất khó quản lý, nhưng để nhà trường có nguy cơ biến tướng thành “thương trường” là điều khó chấp nhận. Điều này, khiến mong ước có trường học hạnh phúc của chúng ta còn rất xa.
Trong Thông tư 17, dạy thêm được coi là “hoạt động dạy học phụ thêm”, quy định này trong dự thảo đã bỏ. Tôi nghĩ, đặt vai trò và nhiệm vụ của dạy thêm như cũ là đúng mức. Dạy thêm đi đúng hướng chỉ có thể là nhà trường có trách nhiệm giúp một bộ phận học sinh có trình độ kiến thức dưới chuẩn được nâng lên đạt chuẩn về yêu cầu cơ bản. Mức phí có thể không thu hoặc thu một phần bồi dưỡng cho thầy dạy. Và như vậy, không thể tổ chức dạy thêm đồng loạt đại trà như tổ chức dạy học chính khóa.
Dạy thêm, học thêm trong trường cần thiết là tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động sáng tạo cho học sinh. Không dạy thêm kiến thức chuyên sâu cho từng môn học riêng lẻ. Hiện tại ở nhiều trường dạy thêm các môn tích hợp như STEM, STEAM, STEAME hoặc giáo dục cảm xúc, đạo đức và nhân văn cho học sinh. Tổ chức dạy thêm các kỹ năng mềm, kỹ năng phi nhận thức cho học sinh thông qua các lớp học rèn luyện kỹ năng sống, phát triển các câu lạc bộ khoa học tự nhiên và khoa học xã hội hay dạy học sinh cách làm bài kiểm tra, bài thi trong đề ngữ văn dưới dạng mở, liên hệ thực tế và với bản thân sâu sắc.
Trong Luật giáo dục hiện hành và trong các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT gần đây nhất đã nhấn mạnh và coi trọng dạy kỹ năng tự chủ, tự học cho học sinh. Trong các nhà trường, chúng ta đang đánh giá phẩm chất chủ yếu của học sinh là “sống tự chủ” và năng lực chung là “tự học”. Nếu trong trường, với cách dạy thêm kiến thức ồ ạt như vậy, e rằng học sinh sẽ lười tư duy, hạn chế sáng tạo và bỏ qua mục tiêu đánh giá. Điều này thật nguy hiểm.
Ngoài ra, thực tế dạy thêm trong trường chỉ một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên được hưởng lợi từ thu phí. Sự phân chia không đồng đều này sẽ gây bất bình đẳng và tạo ra sự mất đoàn kết trong các cơ sở giáo dục có tổ chức dạy thêm. Còn nếu trích lại một phần học phí cho một bộ phận cộng đồng trường học không tham gia trực tiếp dạy thêm lại không hợp lý, vì không làm mà được hưởng phí.
Về những nội dung khác trong thông tư dự thảo
Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố quy định mức thu phí dạy thêm, đặc biệt không cấm cán bộ quản lý và giáo viên được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Quy định này là đúng Luật, đúng đạo lý. Giáo viên có quyền dạy thêm và học sinh có quyền học thêm theo quy định của chính quyền các cấp và chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Với đời sống giáo viên còn thiếu thốn, thu nhập còn kém trong cơ chế thị trường, việc mở cửa rộng rãi để được dạy thêm, bằng chính tài năng, sức lực của mình và cho học sinh có nhu cầu chính đáng là cách nhìn nhân văn, thực tế và thông minh.
Tuy nhiên, việc dạy thêm ngoài nhà trường cũng cần quy định ngành giáo dục được duyệt và ban hành nội dung dạy thêm. Ở các nước phát triển, tôi thấy quy định bắt buộc này mang tính tiên quyết; Cần có chế tài cụ thể để tránh giáo viên và học sinh quá tải trong học thêm, làm ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình giáo dục chính khóa. Đừng để "chân ngoài dài hơn chân trong".
Quản lý và tổ chức dạy thêm là việc khó ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Đối với giáo dục Việt Nam, tôi nghĩ phải có giải pháp đồng bộ từ cấp vĩ mô và sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp quản lý mới có thể thay đổi để dạy, học thêm thực sự hỗ trợ tích cực cho nâng cao chất lượng dạy học chính khóa. Trước mắt chúng ta cần có chủ trương, cách làm mang tính đột phá, ví như về thay đổi phương thức thi cử hay chuyển đổi trường chuyên lớp chọn.
Tôi hy vọng những đổi mới này sẽ làm cho hoạt động dạy thêm không còn tiêu cực và đem lại môi trường giáo dục lành mạnh, có chất lượng và hạnh phúc.
'Cho phép dạy thêm còn hơn để giáo viên bán hàng, làm môi giới bất động sản'Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cho rằng, để giáo viên dạy thêm và tạo ra giá trị mới, có thu nhập chính đáng có lẽ tốt hơn việc cấm họ không được dạy thêm, phải bán hàng online, môi giới bất động sản để mưu sinh.