LỜI TÒA SOẠN

Vừa qua, trên báo VietNamNet đăng tải tuyến bài học sinh giỏi từ chối vào đại học, đổ xô đi xuất khẩu lao động. Thực trạng không chỉ xảy ra với học sinh, ngay cả những giáo viên đã vào biên chế nhà nước vẫn từ bỏ nghề, lựa chọn con đường xuất ngoại để tìm kiếm cơ hội làm giàu. Nhiều người may mắn có thu nhập cao nhưng cũng không ít thầy cô lâm cảnh bi đát, trả giá đắt khi lựa chọn con đường này... VietNamNet xin giới thiệu bài 1 của tuyến Giáo viên giỏi rời bục giảng đi xuất khẩu lao động, mời độc giả đón đọc.

Những người thầy rời bỏ bục giảng

Sự việc 3 thầy giáo ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh xin nghỉ phép đi chữa bệnh nhưng thực chất là sang Hàn Quốc tìm việc vừa qua không khỏi khiến dư luận xôn xao. Khi có việc làm ổn định tại xứ người, 3 thầy giáo đã không quay trở lại trường, buộc UBND huyện Kỳ Anh phải ra quyết định kỷ luật.

Trường THCS Kỳ Xuân, nơi thầy Q., Phó Hiệu trưởng nhà trường, tự ý nghỉ việc để đi Hàn Quốc. Ảnh: Đậu Tình

Trong đó, có ông Lê Văn Q., SN 1978, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, là viên chức quản lý. Trường hợp thứ 2 là thầy Trần Đăng G., SN 1978, giáo viên dạy Toán, Trường THCS Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, cũng có đơn xin nghỉ phép đi chữa bệnh nhưng 3 tháng không tới trường dạy học mà sang Hàn Quốc làm việc mới.

Nhiều lần, nhà trường thông báo yêu cầu đến làm việc nhưng thầy không có mặt. Với việc tự ý nghỉ dạy, cơ quan chức năng buộc thôi việc giáo viên này.

Tương tự, thầy Hồ Văn Th., SN 1978, giáo viên dạy Toán, Trường THCS Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, cũng xin nghỉ phép đi khám bệnh nhưng khi hết thời gian nghỉ phép thầy không tới trường dạy học. Trường THCS Kỳ Phú ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc thầy Th. sau khi thầy qua Hàn Quốc tìm việc làm mới.

Đơn xin nghỉ việc của một giáo viên ở Hà Tĩnh với lý do: "Thu nhập từ công việc dạy học không đảm bảo được nhu cầu cuộc sống hàng ngày của gia đình". Ảnh: Đậu Tình

Lãnh đạo phòng GD-ĐT huyện Kỳ Anh cho biết thầy Q., thầy G. và thầy Th. đều là những giáo viên có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, chuyên môn nghiệp vụ tốt.

"2 trong số 3 thầy bỏ nghề dạy để ra nước ngoài lao động đều có lý do cá nhân  không thể tiếp tục dạy học. Điều đáng buồn là các thầy sang Hàn Quốc, có công việc ổn định rồi mới gửi đơn xin thôi việc", vị lãnh đạo này nói.

Theo tìm hiểu của VietNamNet, thực tế giáo viên trên địa bàn Hà Tĩnh xin ra khỏi ngành giáo dục để đi lao động ở nước ngoài như 3 giáo viên trên không phải là trường hợp cá biệt.

Họ chấp nhận từ bỏ công việc đã được vào biên chế nhà nước, xa gia đình, sang nước ngoài lao động với nhiều rủi ro nhưng mang theo những hoài bão, hi vọng đổi đời khi tiếp cận được công việc có thu nhập cao.

Phó hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Tĩnh cho biết từ năm 2010 đến nay, trường có đến 5 giáo viên viết đơn xin ra khỏi ngành. Có trường hợp cả hai vợ chồng đều là giáo viên (chồng là giáo viên Thể dục, vợ là giáo viên tiếng Anh một trường THCS) đều xin nghỉ việc.

Người Việt đang làm việc tại một công xưởng cơ khí ở Hàn Quốc. Ảnh: CTV
Lao động Việt Nam bán hàng tại cửa hàng ăn ở Đài Loan, Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Anh

Lý do xin ra khỏi ngành của các giáo viên này chủ yếu là tìm được công việc khác phù hợp hơn với hoàn cảnh gia đình. Họ không nói nghỉ dạy để đi xuất ngoại, song các giáo viên đó sau khi nghỉ dạy đều tìm được đường ra nước ngoài làm việc.

Vị hiệu phó chia sẻ thêm năm 2016, thầy H. là giáo viên dạy Toán, thầy C. giáo viên dạy Sinh đều xin nghỉ dạy, ra khỏi ngành. Hai thầy có người thân đang lao động ở Hàn Quốc nên họ sang nước này tìm việc mới bằng đường du lịch.

"Thầy H. tâm sự với đồng nghiệp rằng 10 năm làm nghề, đi dạy với quãng đường từ nhà đến trường 40km nhưng đồng lương thấp không đủ trang trải cuộc sống. Trong khi anh trai thầy H. chỉ học hết lớp 9, lao động nhiều năm bên Hàn Quốc thu nhập lại cao, gia đình có cuộc sống rất sung túc", vị này nói.

Được người nhà “bảo hộ” chỗ ở và công việc nên khi có visa du lịch đi Hàn Quốc, thầy H. viết đơn xin ra khỏi ngành, chấm dứt 10 năm làm nghề dạy học để ra nước ngoài lao động mong có thể thay đổi số phận.

Hai vợ chồng thầy giáo cùng xin nghỉ việc - những câu chuyện buồn

Thông tin Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết số liệu giáo viên, cán bộ quản lý trong nhà trường nghỉ việc theo chính sách tinh giản biên chế, thôi việc theo nguyện vọng cá nhân tại Hà Tĩnh từ năm 2020 đến tháng 6/2023 là 358 người.

Nói về vấn đề giáo viên bỏ việc, rời trường đi xuất ngoại lao động, một lãnh đạo phòng giáo dục cấp huyện có quan điểm thẳng thắn: “Trên địa bàn huyện có hàng nghìn giáo viên, hàng năm sẽ có một đến hai người xin ra khỏi ngành tìm công việc mới hoặc ra nước ngoài lao động. Với những giáo viên đó chúng tôi không có trăn trở nhiều, vì khi họ có ý định ra khỏi ngành, mình không thể giữ lại. Nếu họ ở lại, tâm trí đang có dự định làm việc khác, chất lượng giảng dạy cũng khó đảm bảo”.

Về nguyên nhân lương thấp khiến giáo viên phải nghỉ việc, sang xứ người mưu sinh, lãnh đạo này nói thêm, điều này hoàn toàn không đúng.

"So với mặt bằng chung, lương của giáo viên không thấp trong khi họ được nghỉ mấy tháng hè, có phụ cấp đứng lớp, mức lương tăng theo số năm làm việc. Tuy nhiên, giáo viên học sư phạm nên chuyên môn của họ là dạy học, khó làm các việc khác trái chuyên ngành nên khó tăng thêm nguồn thu nhập khác. Việc ra nước ngoài lao động là do nguyện vọng cá nhân với mong muốn có thu nhập cao hơn", vị trưởng phòng giáo dục cho biết.

Nhiều giáo viên phải làm thêm nhiều nghề để kiếm sống (Trong ảnh là buổi hoạt động ngoại khoá ở Trường Tiểu học Tân Giang, TP Hà Tĩnh)

Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tĩnh thông tin thêm Hà Tĩnh hiện có hơn 22.000 giáo viên, hầu hết đều tâm huyết với nghề. Ba thầy giáo ở huyện Kỳ Anh và số thầy cô từ bỏ nghề dạy để ra nước ngoài lao động, chỉ là số ít, không đại diện cho tâm tư của tất cả các giáo viên.

"Tuy không phải vấn đề nổi cộm trong ngành giáo dục nhưng đó vẫn là một câu chuyện buồn", vị này chia sẻ.

Điều khiến lãnh đạo này trăn trở là mức thu nhập của giáo viên hiện nay còn thấp nên đời sống bấp bênh. Nhiều giáo viên phải làm thêm ngoài giờ, làm thêm nhiều nghề mới đủ sống.

''Với cương vị là lãnh đạo trong ngành giáo dục, tôi mong muốn nhà nước có chính sách tiền lương sát với thực tiễn hơn để giáo viên sống tốt với nghề dạy", lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tĩnh nói.

Từ bỏ bục giảng nhiều năm gắn bó, từ bỏ công việc được nhiều người đánh giá là "nghề cao quý", để sang xứ người không thể là một quyết định dễ dàng. Ngày mai, 25/7, VietNamNet xin gửi đến quý độc giả kỳ 2 tuyến bài, được mở đầu bằng câu chuyện của một giáo viên dạy tiếng Anh với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Thầy đã sang Australia tìm công việc mới - công việc theo thầy là: 'Có tháng thu nhập ở nước ngoài bằng 10 năm đi dạy'. Mời độc giả đón đọc!

Đậu Tình