Đây được coi như diễn đàn để các thầy cô giáo trao đổi về những vấn đề còn trăn trở, khó khăn.
Thầy Kim Thành Phong (Trường THPT Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) chia sẻ, ngôi trường mình đang dạy học đóng ở địa bàn vùng sâu vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, tỷ lệ học sinh bỏ học khá cao.
Thầy Phong nêu bất cập về chế độ tiền lương khi dù các thầy ở vùng khó khăn, nhưng trường lại không thuộc diện xã đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách.
“Mức lương của giáo viên trẻ như tôi phần nào mới chỉ đáp ứng được cuộc sống của bản thân. Còn nếu để nuôi sống gia đình cũng như có con đi học thì chưa thể đảm bảo”, thầy tâm sự.
“Hy vọng Nhà nước sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa hơn nữa. Tôi không mong mỏi được tăng lương ngay, nhưng mong có nhiều những chương trình hỗ trợ để các thầy cô an tâm công tác và hạn chế thấp nhất tình trạng giáo viên xin thôi việc vì không đảm bảo điều kiện về kinh tế”.
Còn thầy Nguyễn Duy Khánh (Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) nhắc đến việc làm sao để người giáo viên cảm thấy được trân trọng, được bảo vệ, chia sẻ sau rất nhiều câu chuyện trên mạng xã hội và vị thế không còn được như xưa.
Trong công cuộc chuyển đổi số, thầy Khánh mong rằng sẽ được áp dụng ở các cấp quản lý từ bộ, sở đến trường để số hóa các tài nguyên trên nền tảng số.
“Thay vì những giáo án hàng trăm trang giấy phải in ra hằng năm, có thể không cần phải in ra nữa, vừa tiết kiệm thời gian cho các thầy cô, vừa tiết kiệm nguồn nguyên liệu, bảo vệ môi trường, các cấp quản lý chỉ cần quản lý trên máy tính, trên phần mềm là đủ. Không chỉ vậy, khi có giáo án online, bài giảng điện tử thì các giáo viên có thể tiếp tục cập nhật thông tin liên tục”, thầy Khánh nói.
“Cũng nhiều giáo viên chia sẻ với tôi về chuyện thi đua, khen thưởng. Cứ mỗi lần các thầy cô muốn đạt được một thành tích nào đó thì phải in một loạt bằng khen, giấy khen, minh chứng sáng kiến kinh nghiệm, công trình nghiên cứu... Trong khi những việc đó hoàn toàn có thể được quản lý trên không gian mạng, thậm chí còn đảm bảo tính chính xác hơn”, thầy Khánh nói. Thầy mong rằng chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc “hô khẩu hiệu” mà biến thành những hoạt động thực tế trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, lãnh đạo Bộ thấu hiểu những khó khăn, những chia sẻ của các thầy cô.
“Ngành giáo dục tác động đến từng gia đình, đến mọi thành phần trong xã hội, tác động rất lớn. Vì vậy, kỳ vọng của người dân, xã hội, của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ngày càng lớn. Trong khi ngành giáo dục phải gánh vác một trách nhiệm, nhất là trong thời kỳ đổi mới chương trình khi thiếu nhiều thứ về đội ngũ, cơ sở vật chất, chế độ nhà giáo, phương pháp giảng dạy...
Đổi mới đã là khó khăn, đổi mới ngành giáo dục càng khó hơn nữa. Đổi mới ngành giáo dục trong lúc các nguồn lực hạn hẹp như vậy thì càng đặc biệt khó...
Chính vì vậy, chúng tôi rất chia sẻ với tất cả các thầy cô, đặc biệt với những thầy cô đến từ vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn”.
Theo ông Sơn, trong điều kiện của Nhà nước và từng địa phương, Bộ GD-ĐT luôn cố gắng đề ra những cơ chế chính sách để đề xuất với Đảng và Chính phủ cũng như đề nghị các địa phương quan tâm giáo dục.
Về chế độ chính sách đối với nhà giáo, ông Sơn cho hay, Bộ trưởng GD-ĐT đã nhiều lần có ý kiến về việc này và đề xuất với Quốc hội, Chính phủ. “Chắc chắn trong thời gian tới, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học sẽ có những chế độ theo hướng tốt hơn, ngoài việc tăng mức lương cơ bản chung của toàn quốc. Đây là một nỗ lực lớn của ngành”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến của các thầy cô và sẽ có những hành động cụ thể.
“Bản thân tôi trước khi là cán bộ quản lý cũng từng là nhà giáo. Cả hai bên gia đình tôi đều là nhà giáo, vợ tôi cũng đang dạy tiểu học. Cho nên những khó khăn của thầy cô, không chỉ những khó khăn được trình bày tại đây mà những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, cá nhân tôi rất thấu hiểu”.