Vào tháng 3, Simon Harris, tân thủ tướng Cộng hoà Ireland đã sử dụng nền tảng TikTok để kể câu chuyện về quá trình vươn lên, từ một “thiếu niên cố chấp, ủ rũ” khi phải vật lộn để giúp đỡ người anh trai mắc chứng bệnh tự kỷ. Với tài khoản có 95.000 người theo dõi, Harris được mệnh danh là “Thủ tướng (Taoiseach) TikTok”, một trong những chính trị gia tiên phong tại châu Âu "chơi Tóp tóp". Harris cũng như nhiều chính trị gia khác, tin rằng lợi ích khi tiếp cận nhóm cử tri trẻ tuổi sẽ lớn hơn so với lo ngại về an ninh.
Vào tháng 6 tới đây, hàng loạt cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại châu Âu và nhóm chính trị gia truyền thống đang dè chừng trước những đối thủ nhỏ hơn khai thác thành công sự ảnh hưởng của TikTok.
Sự phổ biến của TikTok trong giới chính trị gia diễn ra trong bối cảnh nền tảng này đang bị đưa vào tầm ngắm giám sát do lo ngại dữ liệu người dùng thuộc sở hữu công ty mẹ ByteDance có thể bị chuyển giao cho bên thứ ba.
Chẳng hạn, các cơ quan an ninh của Đức đã cảnh báo không nên sử dụng ứng dụng này vì lo ngại nó có thể chia sẻ dữ liệu bên thứ ba hoặc được sử dụng để gây ảnh hưởng đến người dùng. Tại Mỹ, các nhà lập pháp muốn buộc công ty mẹ ByteDance phải bán nền tảng này nếu không muốn bị cấm trên các cửa hàng ứng dụng.
Tuy nhiên, cả thủ tướng Đức và Tổng thống Mỹ đều có tài khoản TikTok đang hoạt động.
Những “ngôi sao” TikTok
Trong nỗ lực xoa dịu lo ngại từ EU, ứng dụng nguồn gốc Trung Quốc đã mở trung tâm lưu trữ dữ liệu người dùng châu Âu tại Dublin vào năm ngoái và thuê công ty bảo mật bên thứ ba để giám sát luồng dữ liệu.
Harris, 37 tuổi, thủ tướng trẻ nhất Cộng hoà Ireland, là người đầu tiên sử dụng TikTok, khi thường xuyên đăng tải những đoạn video ngắn 60 giây kèm nhạc nền.
Một chính trị gia khác là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng xây dựng được 4 triệu followers kể từ khi tham gia nền tảng vào năm 2020.
Ở Đức, việc các chính trị gia cấp cao đón nhận TikTok đang trở thành một xu hướng mới, với việc Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach trở thành bộ trưởng đầu tiên của nước này mở tài khoản vào tháng 3.
Đến đầu tuần này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz chính thức mở tài khoản TikTok với bài đăng trên mạng xã hội X “hứa sẽ không đăng video nhảy nhót” (xu hướng chính trên nền tảng chia sẻ video). Việc tiếp cận cử tri trẻ đặc biệt cấp bách vì thanh niên 16 tuổi ở Đức có thể bỏ phiếu trong cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6.
Đảng phái chính thống lo ngại
Trong số các đảng chính trị ở Đức, AfD thống trị TikTok với hơn 411.000 người theo dõi, trong đó cá nhân ứng cử viên hàng đầu của đảng sở hữu 41.000 người theo dõi.
“Các đảng phái đều không muốn bỏ lỡ nền tảng quan trọng này với nhóm nhân khẩu học và cử tri trẻ tuổi”, cố vấn chính trị Johannes Hillje cho biết.
Các chính trị gia chính thống, dù muốn cạnh tranh với những ứng viên đối thủ trên TikTok, cũng đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi chính họ cũng nghi ngờ việc sử dụng nền tảng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Bộ trưởng Y tế Đức Lauterbach thừa nhận tính hiệu quả truyền thông của TikTok song vẫn dè dặt với nền tảng này và đã mua một chiếc điện thoại riêng để sử dụng ứng dụng “nhằm tránh rò rỉ dữ liệu”.
Trong khi đó, đội ngũ cố vấn của ông Macron nói rằng, Tổng thống Pháp coi tính hữu ích và sự cần thiết phải có quy định quản lý là những vấn đề riêng biệt. Nguồn tin giấu tên của Reuters cho hay: “Chúng tôi không thể bỏ qua nhóm dân số này, đại đa số họ không xem tin tức truyền hình hoặc đọc báo chí”.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters năm ngoái cho thấy, ngày càng có ít người đặt niềm tin vào các phương tiện truyền thông truyền thống và chuyển sang xem tin tức trên TikTok nhiều hơn. Theo đó, 20% thanh niên từ 18 đến 24 tuổi sử dụng nền tảng để xem tin tức.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng “cởi mở” với TikTok. Năm ngoái, chính phủ Anh và Áo đã cấm nhân viên sử dụng ứng dụng chia sẻ video này trên điện thoại công.
Bỉ cũng cấm các Bộ trưởng và công chức cài đặt TikTok trên các thiết bị chính thức của họ nhưng các chính trị gia đã lách luật bằng cách sử dụng ứng dụng này trên các thiết bị riêng biệt.