Thống kê từ MoMo cho thấy hiện có khoảng 2,5 triệu người dùng thanh toán qua ứng dụng này cho hơn 90% dịch vụ hành chính công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và 1 triệu người dùng cho các dịch vụ công.
4.260 trường học trên toàn quốc, trong đó hầu hết trường học ở TP.HCM, chấp nhận thanh toán học phí qua MoMo. Tương tự, 148 bệnh viện, phòng khám trên toàn quốc, trong đó tất cả bệnh viện lớn tại TP.HCM cũng triển khai thanh toán bằng MoMo.
Khoảng 51,3% khách hàng từ 18-27 tuổi đã chọn MoMo là phương thức thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và 45,8% khách hàng trẻ trong độ tuổi này cũng sử dụng MoMo để thanh toán các dịch vụ hành chính công.
So với năm 2022, thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia bằng MoMo trong năm 2023 tăng 155% đối với mảng đóng các loại phí và lệ phí, tăng 315% đối với mảng nộp phạt giao thông.
Dựa trên dữ liệu thống kê, đại diện MoMo nhấn mạnh vai trò của người trẻ việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Giới trẻ là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, thông qua việc thay đổi thói quen sống, lan tỏa các thông điệp mới của chính phủ, từ đó dẫn dắt cả xã hội theo xu hướng mới.
Đại diện MoMo cũng cho rằng trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là dịch vụ công, giới trẻ chính là nhóm người dùng chủ lực và là trụ cột trong việc phát triển lĩnh vực này dựa trên ba yếu tố có khả năng tiếp thu thông tin công nghệ nhanh chóng; thường xuyên sử dụng dịch vụ trực tuyến; có xu hướng chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội và hướng dẫn người thân sử dụng.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định trong quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và hoạt động chuyển đổi số.
Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể dùng để hiểu và để nắm hành vi tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra các quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Còn theo ông Phạm Thanh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử.
Chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng; tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm từng bước làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng… để phát triển các ứng dụng nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước, trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn nâng cao nhận thức về hoạt động TTKDTM, trong đó có bảo vệ, quyền lợi ích hợp pháp của người sử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM.