Giới trẻ sau một thời gian “sốt” với miếng dán xăm môi, nay lại phát cuồng bởi một loại “xăm” mới là son lột da xăm môi, có thể giữ màu sau vài chục giờ. Son xăm môi cùng với hình xăm dán trên cơ thể, tuy là đẹp tạm thời nhưng những hóa chất trong đó lại lưu giữ trên cơ thể, tích tụ và gây độc lâu dài.

Lột da như rắn

Bạn Thu Dung (Q.7, TP.HCM) hí hửng khoe: “Em vừa “tậu” được cây son rất hay. Phải đặt cả tuần mới nhận được hàng”. Nói rồi cô lôi ra một tuýp son và biểu diễn ngay bằng cách thoa lên môi. Trên tuýp son ghi toàn tiếng Hàn, riêng phần tên, xuất xứ là tiếng Anh: “My Lip Tint Pack”, “made in Korea”. Son dạng gel, màu cam đậm, mùi khá nồng. Sau khi thoa son, đôi môi của Dung có màu cam bóng lưỡng, cảm giác như được thoa một lớp mỡ có màu. Và chỉ 15 phút sau, lớp son trên bờ môi khô lại và xuất hiện vết nhăn ở phần viền môi. Thu Dung dùng ngón tay kéo từ mép môi ra một lớp mỏng có màu, kiểu như rắn lột da, để lộ ra bờ môi cũng có màu tương tự nhưng nhạt hơn màu trước đó, trông khá tự nhiên.

{keywords} 

Trên thị trường, loại son này được gọi là son xăm môi, son lột da xăm môi hay son xăm mặt nạ môi. Theo người bán, son được xách tay từ Hàn Quốc, đang rất “hot”, đặc biệt hút các cô gái mới lớn và cô nàng công sở vì lưu giữ màu rất lâu, từ 12g trở lên, và có thể kéo dài đến một vài ngày tùy theo các tác động làm mất màu son (ăn uống). Son được rao bán chủ yếu trên các trang mạng, Facebook cá nhân với số người đặt hàng rất lớn. Mặc dù giá bán niêm yết trên trang web của đơn vị sản xuất là 15.000 won/tuýp (tương đương 300.000đ), song giá bán tại Việt Nam lại dao động khá nhiều, từ 190.000đ đến 350.000đ/tuýp.

Tìm hiểu trực tiếp tại một shop mỹ phẩm trong con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM), cô chủ cửa hàng cho biết: “Son có tám màu khác nhau, hàng về là bán hết ngay, hiện chỉ còn ba tuýp, thích thì mua chứ không có hàng thử”. Giá bán ở đây là 190.000đ/tuýp. Người bán khẳng định, son đúng của Hàn Quốc vì lấy lời ít nên bán giá rẻ (!?). Một người bán khác ở Q.9 (TP.HCM) lại khẳng định: “Nếu là hàng chính hãng thì không thể có giá 190.000đ. Mua tận nơi đã có giá từ 12-15 đô la/tuýp (tương đương 240.000-300.000đ), chưa kể chi phí vận chuyển”.

Điều đáng lo ngại là son có độ bóng bất thường và giữ màu đến vài chục tiếng đồng hồ, mặc dù người dùng vẫn sinh hoạt, ăn uống, tắm rửa bình thường. Trên cây son lại không có thông tin nào về thành phần các chất. TS-BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám Da liễu Cơ sở 2 ĐH Y Dược TP.HCM khẳng định: “Bản thân son môi thông thường vốn đã chứa nhiều hóa chất độc hại. Son càng đậm màu, càng giữ màu lâu thì nồng độ chì càng cao. Đa phần nhà sản xuất thường chỉ quảng cáo trong son có chứa thành phần dưỡng chất từ thiên nhiên, song tỷ lệ này không đáng kể. Để tạo màu, giữ màu cho son, họ buộc phải sử dụng hóa chất công nghiệp. Sử dụng những loại son càng giữ màu lâu, môi sẽ bị tái xỉn và thâm nhanh hơn”.

BS Phạm Xuân Khiêm, Giám đốc Bệnh viện Emcas phân tích thêm: Son môi càng bóng càng chứa nhiều chì. Là một kim loại nặng, chì sẽ không mất đi mà nằm mãi trong cơ thể người dùng. Chì lắng lại ở đường ruột gây đau quằn bụng hoặc chì gây tạo vằn ở ngón tay. Quan trọng hơn, nếu mẹ bị ngộ độc chì thì sẽ gây di chứng cho thế hệ sau, cụ thể là ảnh hưởng đến quá trình tạo gen, hình thành axít amin của thai nhi.

{keywords} 

Xăm dán da dùng được cho cả nhựa, kim loại, sứ...

Xuất hiện một thời gian khá lâu, đến nay sản phẩm hình xăm dán được bán tràn lan ở rất nhiều nơi: các cửa hàng, chợ, lề đường và cả trong các nhà sách. Nhiều điểm bán lẻ xăm dán (tattoo stiker) giới thiệu hàng nhập từ Mỹ, Hàn Quốc hay Thái Lan… song trên sản phẩm thường không có bất cứ thông tin gì về nguồn gốc hay thành phần. Theo tiết lộ của các đại lý bán sỉ sản phẩm này thì toàn bộ là hàng Trung Quốc (TQ).

Tại cửa hàng bán sỉ hình xăm dán (153 Trương Vĩnh Ký, Q.Tân Phú, TP.HCM), ông chủ tên Cường bê nguyên một thùng carton lớn, trong có đủ các mẫu xăm dán ra giới thiệu. Hình xăm đơn lớn có giá 10.000 đồng/miếng. Những miếng lớn (kích thước ước chừng 20×20cm) trong có từ 5-10 hình nhỏ hơn có giá 29.000 đồng/miếng. Cường cho biết, nếu mua nhiều sẽ được giảm từ 20% trở lên. Ngỏ ý muốn lấy hàng xịn của Hàn Quốc, Mỹ... chủ cửa hàng này cho rằng, sẽ chẳng tìm đâu ra hàng Mỹ, Hàn Quốc vì thị trường chỉ có xăm dán từ TQ. Để minh chứng, Cường đưa những túi hình xăm còn bao bì gốc cho xem, toàn bộ sản phẩm đều là “made in China” ở góc dưới, bên phải bao bì.

Kiểu dáng các hình xăm dán khá phong phú, từ hình các con vật như bướm, chuồn chuồn, mèo... đến các biểu tượng (thánh giá, mỏ neo, tháp...), hay các dòng chữ cách điệu. Mức giá phổ biến từ 10.000-50.000 đồng/miếng dán, tùy hình dáng, kích cỡ. Điểm chung của một số điểm bán tại công viên Phú Lâm (Q.6), Nguyễn Chí Thanh (Q.10)... mà chúng tôi khảo sát là hầu hết các loại hình xăm dán đã được thay bao bì. Người bán bỏ bao bì gốc, đựng các miếng dán trong những túi ni lông, không còn dấu vết nguồn gốc sản phẩm.

{keywords} 

Tại các điểm bán, người bán đều có chung cách hướng dẫn sử dụng là làm sạch vùng da muốn dán xăm, sau đó bóc lớp ni lông mỏng trên bề mặt miếng dán và dán lên da, dùng khăn ướt lau cho ướt miếng dán, để chừng 30 giây thì bóc lớp giấy sẽ để lại hình xăm trên da. “Sốc” hơn, theo tư vấn của Ngọc, một sinh viên bán hình xăm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh thì: “Hình xăm còn có thể dán được cả ly, tách, vật dụng bằng kim loại... giữ nét và màu cả tuần, thậm chí gần một tháng không phai nếu giữ gìn cẩn thận”.

Chị Hương, một nhân viên kinh doanh dược phẩm tại Q.7, có kinh nghiệm sử dụng hình xăm dán nhiều năm chia sẻ: “Nên hạn chế dán xăm vào những vùng da non, da mỏng hay da nhạy cảm như cổ, gáy... Hãy thử nghiệm với những hình dán ở cổ chân, gần mắt cá, cổ tay; những vùng da dày để kiểm tra xem có bị dị ứng, tác dụng phụ hay không”.

Theo một số chuyên gia xóa hình xăm tại TP.HCM, loại xăm dán giá rẻ thường sử dụng loại mực xăm rẻ tiền, chất lượng kém... biểu hiện là nhanh phai màu sau khi dán. Mực xăm của những miếng dán này có chứa nhiều hóa chất công nghiệp dễ gây biến chứng (mẩn đỏ, ngứa...) cho người dùng, đặc biệt với trẻ nhỏ. ThS-BS Lê Thái Vân Thanh, giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM cảnh báo thêm: “Những hóa chất như chì, thủy ngân… có trong mực in hình xăm sẽ thấm qua da, lưu giữ trong cơ thể và gây tác hại đến sức khỏe nếu sử dụng lâu dài”.

(Theo Phunuonline)