Sau 9 tháng, Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) vượt kế hoạch lợi nhuận năm. Doanh nghiệp này ghi nhận lượng trái phiếu chưa niêm yết nắm giữ tăng thêm 7.700 tỷ đồng lên hơn 14.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận và vay nợ cùng tăng
CTCP Chứng khoán Kỹ Thương - Techcom Secirities (TCBS) vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý III/2023 và lũy kế 9 tháng đầu năm.
Trong quý III, TCBS ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.148 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với quý trước và tăng mạnh so với mức 730 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.148 tỷ đồng, vượt 7% so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm.
Doanh thu môi giới giảm 35% so với cùng kỳ xuống 147 tỷ đồng. Doanh thu mảng cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán tăng nhẹ lên gần 424 tỷ đồng.
Trong quý III, Chứng khoán Kỹ Thương ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trở lại từ mảng kinh doanh nguồn vốn và phân phối trái phiếu. Mảng này đóng góp 793 tỷ đồng vào tổng doanh thu hoạt động của TCBS, tương ứng chiếm gần 50%.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản Chứng khoán Kỹ Thương đạt gần 38,4 nghìn tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Vốn chủ sở hữu tăng mạnh từ mức gần 10.990 tỷ đồng cuối năm 2022 lên 22.960 tỷ đồng vào cuối quý III/2023 nhờ có thêm gần 9.192 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.
Dư nợ cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán đạt 12.827 tỷ đồng, tăng 26% so với cuối quý II/2023.
Ở chiều ngược lại, TCBS có dư nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn tăngtừ mức 6.872 tỷ đồng hồi cuối năm 2022 lên 13.142 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2023. Dự nợ vay tăng trong bối cảnh khoản phải trả hoạt động giao dịch chứng khoán giảm mạnh từ 5.305 tỷ đồng xuống còn hơn 42 tỷ đồng. Đây phần lớn là khoản TCBS nhận quản lý theo chương trình “Két vàng sinh lời” nhưng đã kết thúc hôm 24/5/2023.
Một điểm đáng lưu ý là, trong 9 tháng đầu năm, Chứng khoán Kỹ Thương ghi nhận giá trị trái phiếu chưa niêm yết mà doanh nghiệp nắm giữ tăng mạnh, từ mức gần 6.350 tỷ đồng hồi cuối năm 2022 lên 14.058 tỷ đồng vào cuối quý III/2023.
Như vậy, trong 9 tháng, TCBS đã mua thêm 7.708 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết.
Bơm tiền qua trái phiếu cho doanh nghiệp nào?
Trong báo cáo tài chính quý III/2023, TCBS không thuyết minh công ty chứng khoán này đã mua trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết nào.
Tuy nhiên, có thể thấy, ở vào giai đoạn Chính phủ có những chính sách nhằm hỗ trợ thị trường này và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đã bớt nhạy cảm, thì các tổ chức tài chính bắt đầu trở lại bơm vốn cho các doanh nghiệp qua kênh này.
Tính tới cuối năm 2022, TCBS ghi nhận nắm giữ gần 6.350 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết. Cho tới giữa năm 2023, con số này là 12.570 tỷ đồng. Và tới cuối quý III/2023 là 14.058 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn có đời sống riêng. Nhiều khách hàng thân thiết của ngân hàng và công ty chứng khoán có nhu cầu huy động vốn cho dù lãi suất trên hệ thống ngân hàng giảm nhanh và các tổ chức tín dụng có dấu hiệu “thừa tiền”. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn để vay vốn không dễ dàng, nhất là ở vào thời kỳ khó khăn, sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp thường rất yếu.
Những cái tên doanh nghiệp chưa niêm yết nào đã phát hành trái phiếu cho TCBS sẽ được công bố trong báo cáo kiểm toán 2023.
Còn theo báo cáo kiểm toán 2022, trong số gần 6.350 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, có tới hơn 3.167 tỷ đồng được TCBS chi ra để mua trái phiếu của CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn, gần 1.217 tỷ đồng mua trái phiếu Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast và 676 tỷ đồng mua trái phiếu CTCP Đầu tư Golden Hill…
CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn là một doanh nghiệp kín tiếng nhưng có quy mô tài sản lớn thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Novaland của ông Bùi Thành Nhơn.
CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn được biết đến là chủ đầu tư dự án Sài Gòn Bình An (tên thương mại The Global City). Trong khi đơn vị phát triển dự án là Masterise Homes thuộc Masterise Group.
Masterise trong khi đó được biết đến là doanh nghiệp bất động sản liên quan tới Ngân hàng Techcombank của Chủ tịch Hồ Hùng Anh - một tỷ phú cũng khởi nghiệp từ Đông Âu.
Trong báo cáo vào giữa năm 2023, Chứng khoán Kỹ Thương cho biết, tỷ lệ rủi ro của các trái phiếu không niêm yết của các doanh nghiệp chưa niêm yết là từ 25-35%. Quy mô của các khoản này là hơn 11.800 tỷ đồng, tương đương giá trị rủi ro là 3.584 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, tới cuối quý II/2023, Đầu tư và Phát triển Sài Gòn âm vốn chủ sở hữu gần 1.557 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có tổng nợ phải trả lên tới 97.000 tỷ đồng (gần 4 tỷ USD). Dư nợ trái phiếu hơn 6.500 tỷ đồng.
Cổ phiếu quý III tăng mạnh, các công ty chứng khoán dồn dập báo lãi
Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) công bố lãi quý III/2023 tăng mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán đi lên mạnh mẽ trong khoảng thời gian này. Bên cạnh TCBS lãi lớn hơn 1.100 tỷ đồng, Chứng khoán VIX ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 2,4 lần so với cùng kỳ lên 248 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, VIX có lợi nhuận trước thuế tăng 90% lên 964 tỷ đồng.
Chứng khoán MB (MBS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III/2023 đạt 166 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lãi sau thuế giảm 7% xuống 411 tỷ đồng.
Chứng khoán Rồng Việt (VDS) báo lãi sau thuế quý III/2023 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ lên 92 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng lãi 252 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ ròng 105 tỷ đồng.
Chứng khoán Thành Công (TCI) báo lợi nhuận sau thuế đạt hơn 17,1 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế 9 tháng, TCI lãi sau thuế 44,4 tỷ đồng, giảm 34,5%.
Chứng khoán Bảo Minh (BMS) báo lãi sau thuế tăng gấp đôi cùng kỳ lên 89 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, BMS ghi nhận lãi sau thuế 128 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 16 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 23% so với quý III/2022, đạt 49 tỷ đồng. Lợi nhuận trong 9 tháng giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.