Tồn kho của các đại gia kinh doanh vàng tăng mạnh, có doanh nghiệp nắm vài tấn vàng giữa lúc thị trường sốt nóng, mua bán nhỏ giọt. Các ông lớn đã tích trữ vàng từ đâu? Và liệu có tình trạng thao túng?
"Ông lớn" nắm gần 6 tấn vàng
Theo báo cáo tài chính của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), tính tới cuối năm 2023, doanh nghiệp do bà Cao Thị Ngọc Dung làm chủ tịch có lượng hàng tồn kho đạt gần 10.941 tỷ đồng (tương đương gần 430 triệu USD).
PNJ là một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc và đá quý, trong đó chủ yếu kinh doanh vàng trang sức, vàng nhẫn và vàng miếng.
Nếu so với cuối năm 2018, có thể thấy, lượng hàng tồn kho của PNJ tăng mạnh gần 130%. Vào cuối năm 2018, PNJ ghi nhận lượng hàng tồn kho đạt 4.819 tỷ đồng.
Và trong hầu hết thời điểm, doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung đều nắm giữ vài tấn vàng.
Theo báo cáo tài chính quý I/2024, lượng hàng tồn kho của PNJ giảm xuống còn 9.511 tỷ đồng trong bối cảnh giá vàng liên tục lập đỉnh cao lịch sử trong khoảng thời gian này, từ hơn 70 triệu đồng/lượng rồi lên trên 80 triệu đồng/lượng.
Còn theo báo cáo mới nhất, trong 4 tháng đầu năm 2024, PNJ ghi nhận doanh thu tăng 33% so với cùng kỳ lên hơn 16 nghìn tỷ đồng, chủ yếu từ bán lẻ, bán sỉ trang sức và bán vàng miếng. Lợi nhuận đạt 915 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 7,6 tỷ đồng/ngày.
Trong đó, PNJ thu hơn 6.800 tỷ đồng từ bán vàng miếng trong 4 tháng, tăng 80% so với cùng kỳ. Đây cũng là mảng kinh doanh có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất. Tỷ trọng mảng vàng miếng cũng vươn lên chiếm hơn 42% tổng doanh thu công ty, từ mức 31% của cùng kỳ.
Với Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), đây là một doanh nghiệp Nhà nước cho nên tình hình có khác so với PNJ. Doanh nghiệp này dù độc quyền thương hiệu vàng miếng nhưng lợi nhuận mỏng.
Tồn kho cuối năm 2023 của SJC là 1.447 tỷ đồng, cũng tăng khá mạnh so với mức 1.173 tỷ đồng hồi đầu năm và mức 1.046 tỷ đồng vào cuối năm 2019.
Bên cạnh PNJ và SJC, trên thị trường ghi nhận sự phổ biến và áp đảo của một số thương hiệu khác như Doji và Bảo Tín Minh Châu…
Doji và Bảo Tín Minh Châu không công bố báo cáo tài chính chi tiết do vậy không biết được lượng hàng tồn kho của 2 ông lớn kinh doanh vàng này là bao nhiêu, cũng như 2 doanh nghiệp này đang nắm giữ bao nhiêu tấn vàng, có gia tăng trong những năm qua hay không?
Dù vậy, với mạng lưới quy mô rộng và doanh thu lớn, 2 ông lớn này được cho là cũng nắm giữ một lượng vàng lớn.
Việc mua gom và nắm giữ trở nên dễ dàng hơn khi vàng được đánh giá là tài sản đảm bảo rất tốt cho các khoản vay ngân hàng. Khi giá vàng có xu hướng lên, các doanh nghiệp dễ dàng có tiền để gom vàng rồi tính toán bán ra ở thời điểm giá cao. Mức chênh giá mua - bán 2-3 triệu đồng/lượng cũng có thể góp phần giúp các đại gia kinh doanh vàng lãi lớn.
Trên thực tế, Doji được biết đến là một ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh vàng. Doanh thu của Doji đã tăng gấp 8 lần sau 10 năm, từ 11.000 tỷ đồng trong năm 2009 lên 90.000 tỷ đồng năm 2019. Doji cũng lọt vào top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Hơn 10 năm Việt Nam không nhập khẩu, đại gia gom vàng từ đâu?
Hiện có những nghi vấn cho rằng một số doanh nghiệp có thể đẩy mạnh gom vàng, qua đó làm mất cân đối cung - cầu, đẩy giá vàng tăng cao hơn nhiều so với giá thế giới.
Bên cạnh đó, còn có vấn đề về nguồn gốc vàng mà các doanh nghiệp mua vào.
Trên thị trường, trong những dịp sốt nóng, báo chí ghi nhận hiện tượng người dân đổ xô xếp hàng mua vàng. Lượng người mua áp đảo lượng người đến bán vàng. Nhiều cửa hàng bán nhỏ giọt, giới hạn số lượng vàng mỗi người được mua, thậm chí viết giấy hẹn trả vàng sau.
Cho dù vào các đợt sốt nóng, các ông lớn chủ yếu bán vàng ra và mua vào ít nhưng lượng vàng nắm giữ của các tổ chức này vẫn gia tăng trong các năm qua.
Vậy câu hỏi được đặt ra là: Các doanh nghiệp mua vàng từ đâu? Đây cũng có thể là nội dung mà Chính phủ đang thanh tra hoạt động của các đại gia kinh doanh vàng hàng đầu tại Việt Nam, gồm: Doji, PNJ, SJC, Bảo Tín Minh Châu.
Có một thực tế là, trong hơn 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không cấp phép nhập khẩu vàng. Trong khi nhu cầu mua vàng của người dân rất lớn và thường được các công ty kinh doanh vàng công bố thông tin là khách hàng mua vào nhiều hơn bán ra, đặc biệt tại các thời điểm sốt nóng.
Theo báo cáo từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 41 tấn vàng trong năm 2022 (tăng 32% so với năm 2021), đồng thời là quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ kim loại quý này.
Cũng theo WGC, nhiều thời điểm, vàng thỏi nhập vào Việt Nam có giá trị rất lớn, cao hơn so với thống kê của các cơ quan trong nước. Khi NHNN không cấp phép nhập, vàng có thể vào Việt Nam theo theo con đường nhập lậu. Việc nhập lậu có thể gây ra nhiều ảnh hưởng, trong đó có ảnh hưởng tới tỷ giá. Cho dù cung ngoại tệ lớn đến từ kiều hối, FDI, thặng dư xuất khẩu nhưng tỷ giá vẫn thỉnh thoảng sóng gió.
Hồi giữa năm 2023, Công an khởi tố Chủ tịch CTCP Đầu tư Vàng Phú Quý (một doanh nghiệp vàng quy mô nhỏ hơn khá nhiều 4 ông lớn bị thanh tra) với tội buôn lậu 3 tấn vàng, trị giá 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam.
Vàng không chỉ được buôn lậu từ Lào về mà còn qua đường hàng không từ một số nước khác, trong đó có Hàn Quốc với sự tiếp tay của phi công, tiếp viên (như hồi năm 2016).
Phát biểu tại thảo luận kinh tế xã hội của Quốc hội chiều 29/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong thời gian vừa qua, những biến động trên thị trường vàng cũng không loại trừ những hành vi vi phạm pháp luật để đầu cơ găm giữ, đẩy giá.
Trước đó, cũng trên diễn đàn của Quốc hội, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng lo ngại: Giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi từ 15-20 triệu đồng/lượng khiến thị trường vàng trong nước trở nên nhạy cảm hơn, kích thích hoạt động đầu cơ và nhập lậu. Ông cũng đặt vấn đề: "Thực chất nhu cầu nắm giữ vàng trong nước tăng đột biến đến từ ai và do đâu? Hẳn không phải là đến từ đa số người dân bình thường. Liệu có phải đây chủ yếu là do 1 nhóm lợi ích với các hành vi phi pháp như tẩu tán tài sản, đầu cơ gây rối loạn thị trường?”