Giảm bớt thủ tục

Vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch là mục tiêu kép được các cơ quan nhà nước cùng doanh nghiệp thực hiện. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu, thời gian qua, cơ quan chức năng đã có những giải pháp về cơ chế chính sách một cách quyết liệt.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, thông tin về chính sách và thủ tục hành chính xuất nhập khẩu dễ tiếp cận hơn. DN đánh giá cao hơn về chất lượng thông tin do cơ quan hải quan cung cấp. DN cũng hài lòng hơn đối với công tác hỗ trợ, giải đáp của các cơ quan khi DN gặp vướng mắc về tiếp cận thông tin.

Việc thực hiện các thủ tục hành chính hải quan cũng thuận lợi hơn đối với các DN. Những chuyển biến tích cực được DN ghi nhận, từ việc khai hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá, nộp thuế, hoàn thuế/không thu thuế, cho đến giải quyết khiếu nại. Một số cải cách lớn của cơ quan hải quan trong thời gian gần đây cũng được các DN đánh giá cao.

{keywords}
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu 

Theo đó, cơ quan chức năng đã giảm bớt chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra sau thông quan, thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát qua hệ thống quản lý hải quan tự động. Các DN cũng đánh giá cao hơn về chất lượng phục vụ DN của cán bộ, công chức hải quan so với những năm trước. Mức độ thực hiện kỷ cương, tác phong làm việc và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức hải quan đều có những chuyển động tích cực.

Công tác kiểm tra, quản lý chuyên ngành vốn trước đây có nhiều phàn nàn của các DN, thì trong khảo sát 2020 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực.

Mức độ phổ biến của việc chi trả chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu cũng đã giảm bớt, điều này cũng thể hiện nhận thức của DN trong kinh doanh liêm chính đã có chuyển biến. Những chuyển biến nêu trên là rất tích cực và cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam đạt 545,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2%.

Kiến nghị thêm nhiều giải pháp

Để góp phần thực hiện mục tiêu kép, các chuyên gia cũng như doanh nghiệp đã đưa ra những kiến nghị. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, dù tình hình có cải thiện, nhưng cải cách còn chưa đồng đều. Cụ thể, DN còn gặp khá nhiều khó khăn khi xác định mã số HS, hoặc tuân thủ thủ tục tham vấn xác định trị giá hải quan.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành để tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đối với riêng các cơ quan hải quan, cộng đồng DN mong muốn các cơ quan này đơn giản hóa các loại chứng từ, hỗ trợ DN nhiều hơn với các thủ tục xác định mã HS và tham vấn xác định trị giá hải quan.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Quản lý kinh tế Trung ương CIEM) cho biết, các thủ tục hành chính, các quy định về mã HS vẫn là nỗi lo lớn cho DN.

“Do cách hiểu và các áp dụng mã HS giữa các cơ quan khác nhau nên gây khó khăn rất nhiều cho DN. Thậm chí, trong một số trường hợp, việc cơ quan hải quan bất ngờ thay đổi HS cũng đẩy DN vào tình trạng dở khóc, dở cười như câu chuyện về các DN gỗ ghép thanh trong thời gian qua”, bà Phan Minh Thảo nhấn mạnh.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ghi nhận các góp ý, đồng thời nêu một số giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu hội nhập, trong đó, lấy người dân, DN làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân và DN làm mục tiêu phấn đấu.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy