Tuyến bài Góc khuất của các 'đại gia' xăng dầu do VietNamNet thực hiện mong muốn góp thêm tiếng nói nhằm lành mạnh hóa, sàng lọc thị trường xăng dầu, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sự phát triển của những doanh nghiệp xăng dầu chân chính, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tuyến bài Góc khuất của các 'đại gia' xăng dầu do VietNamNet thực hiện mong muốn góp thêm tiếng nói nhằm lành mạnh hóa, sàng lọc thị trường xăng dầu, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sự phát triển của những doanh nghiệp xăng dầu chân chính, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nợ thuế đầm đìa
Theo tài liệu của PV, ngày 10/1/2020, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ của Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil từ Chi cục Thuế Quận 3 về Cục Thuế TP.HCM để quản lý.
Căn cứ Sổ theo dõi tình hình nợ thuế, đến kỳ tháng 1/2020, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil chỉ nợ ngân sách nhà nước hơn 89,57 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.
Thế nhưng, 3 năm sau, số thuế của công ty này tăng lên nhanh chóng, gấp gần 20 lần. Sổ theo dõi tình hình nợ thuế đến kỳ tháng 8/2023 ghi nhận Xuyên Việt Oil còn nợ ngân sách nhà nước trên 1.528 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế bảo vệ môi trường là trên 1.244 tỷ đồng. Số thuế còn nợ này phát sinh trên tờ khai tháng, từ kỳ tháng 10/2021 đến kỳ tháng 7/2022.
Một ông lớn xăng dầu khác cũng nợ thuế khủng là Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà. Đến nay, Hải Hà nợ hơn 1.700 tỷ đồng tiền thuế. Trong khi đó, năm 2021, doanh nghiệp này nợ khoảng 815 tỷ đồng; năm 2020 nợ khoảng 761 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo tài chính 6 tháng của Công ty CP Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, tính đến cuối quý II/2023, đơn vị còn nợ thuế và các khoản phải nộp nhà nước gần 1.506 tỷ đồng, cao hơn vốn góp chủ sở hữu của doanh nghiệp (1.262 tỷ đồng).
Đòi không trả, phải cưỡng chế
Đối với trường hợp nợ thuế của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Tổng cục Thuế có rất nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Cục Thuế tỉnh Thái Bình, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Bình áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi cho ngân sách nhà nước.
Tính riêng trong năm 2023, Tổng cục Thuế đã ban hành 3 văn bản yêu cầu triển khai các biện pháp thu hồi nợ thuế của Hải Hà. Ngày 13/3, Tổng cục Thuế yêu cầu triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế. Đến 18/5, cơ quan này tiếp tục yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Bình triển khai ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ của Hải Hà.
Ngày 26/5, Tổng cục Thuế lại có công văn hỏa tốc yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Bình triển khai áp dụng các biện pháp cưỡng chế ngay trong ngày 26/5.
Tính đến ngày 19/9, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà. Cụ thể: Cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với công ty theo 6 quyết định, liên tục từ ngày 26/6 đến ngày 28/8.
Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Thái Bình cũng tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp theo quyết định ngày 12/9 (hiệu lực từ ngày 13/9/2023 đến ngày 12/9/2024).
Đến ngày 30/8, Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, hiện là bà Trần Tuyết Mai.
DN xăng dầu rủi ro cao về thuế, hóa đơn
Nhưng các công ty xăng dầu đầu mối kể trên không phải là cá biệt. Tình hình nợ đọng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) của các DN kinh doanh xăng dầu có xu hướng tăng.
Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã áp dụng biện pháp mạnh đối với một đầu mối xăng dầu khác là Công ty TNHH Trung Linh Phát và chi nhánh vì nợ 203 tỷ đồng; đồng thời cưỡng chế, dừng sử dụng hóa đơn tại quyết định ban hành tháng 2/2023 và đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện theo pháp luật của công ty.
Hồi tháng 3 năm nay, Ngân hàng MSB cũng phát đi thông báo thu giữ hàng loạt tài sản bảo đảm của Trung Linh Phát do vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng. MSB thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ theo thỏa thuận tại Hợp đồng thế chấp đã ký kết với 23 tài sản là bất động sản.
Ngày 10/8, Chi cục Thuế quận Tân Bình (Cục Thuế TP.HCM) gửi văn bản đến 63 cơ quan thuế tỉnh/thành phố cảnh báo chi nhánh doanh nghiệp đầu mối xăng dầu Trung Linh Phát có rủi ro cao về thuế, hóa đơn. Hồ sơ của chi nhánh DN này cũng đã được chuyển sang cơ quan công an.
Theo Chi cục Thuế quận Tân Bình, Trung Linh Phát có dấu hiệu hàng hóa xuất bán lòng vòng, doanh nghiệp bán hàng đồng thời là doanh nghiệp mua hàng. Theo bảng kê mua vào bán ra do doanh nghiệp cung cấp, có 11 DN là đơn vị bán hàng đồng thời là đơn vị mua hàng của Trung Linh Phát - Chi nhánh Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, doanh nghiệp này sử dụng hóa đơn GTGT mua vào của các doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký và các doanh nghiệp giải thể. Cụ thể, có 6 DN xuất hóa đơn bán hàng cho Công ty TNHH Trung Linh Phát - Chi nhánh Hồ Chí Minh không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký và giải thể.
Theo Tổng cục Thuế, các địa phương có DN kinh doanh xăng dầu nợ thuế lớn gồm: An Giang, Bến Tre, Cà Mau, TP. Cần Thơ, Đồng Nai, TP. Hải Phòng, Hậu Giang, Kiên Giang, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Sóc Trăng, Thái Bình, Thanh Hóa và TP.HCM.
Một số cục thuế chưa kiên quyết, chậm áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Vì thế, ngày 13/3, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 689/TCT-QLN về việc triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Tiếp đó, ngày 30/5, Tổng cục Thuế tiếp tục đề nghị các cục thuế phải có biện pháp mạnh tay với DN kinh doanh xăng dầu nợ thuế.
Tất cả những câu chuyện trên đặt ra một “dấu hỏi lớn” về trách nhiệm giám sát hoạt động hậu cấp phép cho các DN xăng dầu đầu mối.
Dù các doanh nghiệp trên nợ thuế lớn, nhưng tháng 10/2022, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh xăng dầu. Ngoài các ý kiến về chi phí định mức, lợi nhuận định mức,... Bộ Công Thương còn đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các DN đầu mối là Hải Hà, Nam Sông Hậu, Xuyên Việt Oil, dầu khí Đồng Tháp được thông quan xăng dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã từ chối vì các DN này “chưa thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật hiện hành”. Bộ Tài chính cũng yêu cầu Bộ Công Thương có ý kiến với các công ty trên khẩn trương rà soát, hoàn thiện, thực hiện các quy định của pháp luật. |
Bài 2: Quỹ bình ổn giá xăng dầu bị chiếm dụng, hệ quả của sự 'phớt lờ' cảnh báo