Như VietNamNet đã đưa, khoảng 20h30 ngày 7/12, khi chị Vũ Thị Thu Huyền (SN 1984, giáo viên Trường tiểu học Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đang bán hàng tại cửa hàng quần áo của gia đình trên đường Phú Lợi (thuộc phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một) thì có người phụ nữ vào mua đồ.
Mua quần áo với số tiền 1,9 triệu đồng, người phụ nữ thanh toán bằng chuyển khoản cho chị Huyền. Thay vì chuyển 1,9 triệu đồng, người này chuyển 1,9 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của cô giáo.
Sáng hôm sau, chị Huyền phát hiện giao dịch 1,9 tỷ đồng từ người phụ nữ mua hàng nói trên và đã lên mạng xã hội Facebook đăng bài viết nhờ tìm người mua hàng để trả lại tiền. Đến trưa cùng ngày, sau khi đọc được bài viết của chị Huyền, người phụ nữ chuyển nhầm tiền tới cửa hàng để xin nhận lại tiền, đồng thời cho hay chuyển nhầm tiền nhưng không để ý.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành động của cô giáo phù hợp với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. “Không có bài giảng nào dễ hiểu, dễ tiếp thu và tác động trực tiếp, có hiệu quả về lòng tốt, tính trung thực, sự tử tế của con người như sự việc này”, lời Tiến sĩ Đặng Văn Cường.
Vẫn theo luật sư, về mặt pháp lý, bên bán hàng hóa chỉ được quyền nhận số tiền tương đương với giá cả hàng hóa theo thỏa thuận giữa các bên. Việc chiếm giữ, sử dụng trái phép số tiền mà khách hàng chuyển nhầm là hành vi vi phạm pháp luật.
Pháp luật quy định, khi nhặt được tài sản do người khác bỏ quên, đánh rơi, chuyển nhầm thì phải thông báo để trả lại tài sản cho chủ sở hữu, hoặc phải giao nộp cho cơ quan chức năng để thông báo tìm kiếm, nhằm trả lại tài sản cho chủ sở hữu.
Người nào cố tình không thông báo mà giữ lại, khi chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan chức năng yêu cầu trả lại nhưng cố tình không trả lại, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu trường hợp tài sản chiếm giữ trái phép có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi chiếm giữ trái phép tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 176 BLHS.
Trường hợp người nào được người khác chuyển nhầm số tiền từ 200 triệu đồng trở lên, sau khi chuyển nhầm, người chuyển tiền đã phát hiện, đòi lại mà người nhận tiền cố tình không trả lại thì người nhận số tiền này sẽ bị xử lý hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản, với hình phạt có thể tới 5 năm tù, theo quy định tại khoản 2, Điều 176 BLHS.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay, với những vụ việc chuyển nhầm tiền qua tài khoản ngân hàng, đều có dấu vết, có chứng cứ rất rõ ràng thông qua sao kê ngân hàng, cũng như thông tin từ Internet banking.
Trong trường hợp người mua hàng phát hiện ra mình việc mình chuyển nhầm, họ sẽ chủ động quay lại cửa hàng để yêu cầu trả lại tiền, nếu không được trả lại tiền, họ có thể làm đơn trình báo tố giác tội phạm.
Và khi CQĐT vào cuộc xác minh, nếu có căn cứ cho thấy đã có hành vi chuyển nhầm tiền nhưng người nhận nhầm cố tình không trả, lúc này CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư, việc thông báo thông tin công khai để tìm kiếm khách hàng trả lại tiền cũng là một hoạt động cần thiết để giảm thiểu những rủi ro cho bên bán hàng. Bởi vậy, cách xử lý của cô giáo tiểu học trong tình huống này là hợp lý, hợp tình và là cách xử lý mà mọi người cần phải thực hiện để giảm thiểu những rủi ro cho bản thân và thể hiện uy tín, đạo đức của mình và cơ sở kinh doanh.