
Hoạ sĩ Đặng Thanh Huyền vừa khai mạc triển lãm cá nhân thứ hai mang tên Nơi thời gian chậm lại tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Triển lãm giới thiệu 50 tác phẩm sơn dầu và lụa, đa số là chân dung khổ lớn, khai thác chủ đề thiên nhiên, gia đình. Đặc biệt, các tác phẩm này đều được vận chuyển từ Nha Trang - nơi nữ hoạ sĩ đang sinh sống - ra Hà Nội để trưng bày.

"Có những khoảnh khắc, ta ước thời gian ngừng lại, để giữ lấy những gì quý giá nhất - một ánh mắt, một nụ cười, hay hơi ấm của gia đình. Triển lãm là nơi tôi gửi gắm những mảnh ký ức, những cảm xúc không lời và cả những khoảng lặng giữa dòng chảy bộn bề của cuộc sống. Mỗi bức tranh không chỉ là hình ảnh mà là lời mời bạn bước vào thế giới của riêng mình - nơi thời gian chậm lại, dịu dàng và đầy yêu thương", Đặng Thanh Huyền chia sẻ.

Với Đặng Thanh Huyền, Nơi thời gian chậm lại không chỉ là một sự kiện trưng bày tranh mà còn là nơi cô kể câu chuyện về gia đình, những ký ức và khoảng lặng trong cuộc sống.
"Khi vẽ một gương mặt xa lạ, ta có thể tự do cảm nhận và thể hiện. Nhưng khi vẽ người thân, từng nét cọ lại đi kèm với trách nhiệm làm sao để tái hiện được thần thái, ký ức và cảm xúc của họ mà không bị gò bó trong sự giống hay không giống”, họa sĩ trải lòng.

Đặng Thanh Huyền sinh năm 1984 làm quen với hội họa từ năm 5-6 tuổi, qua những buổi học vẽ ở Cung Thiếu nhi. Năm 2008, Đặng Thanh Huyền tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam và năm 2014 nhận bằng thạc sĩ. Trường phái hội họa chủ đạo mà nữ họa sĩ theo đuổi có thể xem là sự giao thoa giữa hiện thực và ấn tượng, với cách sử dụng màu sắc và ánh sáng đầy cảm xúc.
5 năm trở lại đây, nữ họa sĩ ghi dấu ấn qua các triển lãm: Hương sắc Hà Thành (2019), Nhịp thời gian, Bé vẽ giấc mơ…
Một số tác phẩm trong triển lãm:





Ảnh: NVCC
