Phát biểu tại Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Gerald R. Ford, Bộ trưởng Barr khẳng định Trung Quốc đang tham gia “chiến dịch chớp nhoáng” nhằm giành lấy đỉnh cao chỉ huy của kinh tế toàn cầu và qua mặt Mỹ trở thành cường quốc ưu tú.
“Nhìn chung, vì lợi nhuận trước mắt, các công ty Mỹ đã chịu thua trước ảnh hưởng ấy, ngay cả khi phải trả giá bằng sự tự do và cởi mở tại Mỹ”. Ông gọi các công ty công nghệ Mỹ là “con tốt của thế lực Trung Quốc”.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ chỉ trích các hãng công nghệ như Cisco vì giúp Trung Quốc xây dựng “Great Firewall” mà ông mô tả là “hệ thống giám sát và kiểm duyệt Internet tinh vi nhất” thế giới.
Cisco phủ nhận cung cấp thiết bị tùy chỉnh cho Trung Quốc để chặn truy cập hay giám sát người dùng. “Sản phẩm chúng tôi cung ứng cho Trung Quốc giống với toàn cầu, chúng tôi chấp hành đầy đủ tất cả quy định xuất khẩu áp dụng cho Trung Quốc, bao gồm quy định liên quan tới nhân quyền”, Cisco viết trong email gửi CNBC.
Còn với Apple, ông Barr nói đến quyết định chuyển một phần dữ liệu iCloud sang máy chủ đặt tại Trung Quốc, cho rằng hành động này có thể giúp chính quyền Trung Quốc dễ dàng tiếp cận email, tin nhắn và thông tin khác lưu trong đám mây hơn. Ông tố cáo Apple loại bỏ ứng dụng tin tức Quartz ra khỏi App Store Trung Quốc sau khi chính phủ phàn nàn. Ông cũng nhắc tới việc Apple bất hợp tác với nhà chức trách Mỹ khi điều tra một vụ khủng bố chết người.
Trước đây, Bộ Tư pháp yêu cầu Apple hỗ trợ trích xuất dữ liệu từ 2 chiếc iPhone thuộc về tay súng có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda nhưng không được đồng ý. “Trong khoảng 4,5 tháng, chúng tôi đã cố gắng mà không có sự giúp đỡ nào từ Apple”. Cuối cùng, nhà chức trách cũng làm được nhờ may mắn khó lặp lại trong tương lai.
Apple nhấn mạnh cam kết với an ninh mạng và cung cấp “mã hóa mạnh trên máy chủ và thiết bị” trong email gửi CNBC. “Sản phẩm của chúng tôi giúp khách hàng Trung Quốc liên lạc, học tập, thể hiện sáng tạo. Chúng tôi tin vào tầm quan trọng của một xã hội cởi mở, trong đó thông tin được lưu thông tự do và cách tốt nhất để chúng tôi tiếp tục thúc đẩy sự cởi mở là tiếp tục tham gia ngay cả tại nước mà chúng tôi có thể không đồng tình với luật pháp của họ”.
Google từ chối bình luận về phát ngôn của ông Barr. Công ty dừng hoạt động tại Trung Quốc từ năm 2010 và dưới áp lực của nhân viên cũng phải dừng dự án công cụ tìm kiếm mới vào năm 2018.
Du Lam (Theo CNBC)
Mỹ hạn chế visa với nhân viên Huawei và các hãng công nghệ Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo hạn chế visa đối với nhân viên của các hãng công nghệ Trung Quốc, trong đó có Huawei.