Google Chrome hiện là trình duyệt được sử dụng phổ biến nhất ở Trung Quốc đại lục. Theo số liệu của Baidu, trên cả máy tính để bàn và điện thoại thông minh, Chrome chiếm từ 36 đến 39% thị phần trình duyệt trong năm nay.

Được biết có những tháng, Chrome vượt xa các đối thủ của mình, như Internet Explorer của Microsoft hay QQ Browser của Tencent, với khoảng cách lên tới hơn 28% thị phần.

Nếu theo dữ liệu mới nhất từ ​​CNCERT, cơ quan ứng cứu khẩn cấp máy tính quốc gia của Trung Quốc, Chrome chiếm 30% thị phần trình duyệt điện thoại của nước này trong quý 3/2019.

{keywords}
Google bị chặn nhưng Chrome vẫn dẫn đầu thị trường trình duyệt ở Trung Quốc.

Thực tế, Chrome vẫn rất phổ biến ở phần còn lại của thế giới. Theo công cụ thống kê StatCounter, trình duyệt này chiếm khoảng 2/3 thị phần toàn cầu. Nhưng ở Trung Quốc đại lục, nơi hầu hết các dịch vụ của Google đều bị chặn, sự nổi trội của Chrome trở nên khá bất ngờ.

Dù sao Chrome cũng không nhất thiết phải kết nối với máy chủ của Google để hoạt động. Ở Trung Quốc, Chrome có thể được tải xuống trực tiếp tại google.cn/chrome. Trình duyệt này cũng tạo điều kiện cho người dùng chuyển đổi công cụ tìm kiếm mặc định từ Google sang Baidu, Bing...

Yuwan Hu, chuyên gia của công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting nhận xét: “Ở Trung Quốc, mọi người thường chọn Google Chrome, vì về cơ bản trình duyệt này nhanh hơn và thân thiện hơn với người dùng”.

Một người dùng trên Zhihu, mạng xã hội hỏi đáp của Trung Quốc thì nhận định: “Google Chrome đơn giản hơn. Chrome cho phép bạn tập trung vào các trang web và quên đi bản thân trình duyệt".

Tương tự, một người dùng khác bình luận: “Lý do tôi không thích hầu hết các trình duyệt Trung Quốc là chúng quá hướng đến lợi nhuận. Về cơ bản, chúng không phải là trình duyệt mà là công cụ để các công ty quảng cáo và săn lùng người dùng”.

Anh Hào (Theo SCMP)

Trung Quốc chuẩn bị điều tra Google

Trung Quốc chuẩn bị điều tra Google

Theo nguồn tin của Reuters, Trung Quốc chuẩn bị mở cuộc điều tra chống độc quyền Google, cụ thể là lạm dụng Android để cản trở cạnh tranh.