Theo cựu CEO Google, văn hóa làm việc từ xa đã bào mòn năng lực cạnh tranh của Google trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Schmidt nhắc đến công ty cũ khi giảng bài cho sinh viên Đại học Stanford hồi tháng 4. Khi ấy, ông được hỏi về việc các startup như OpenAI, Anthropic đang dẫn đầu so với hãng tìm kiếm Internet.
Bản ghi âm bài giảng được Đại học Stanford công bố trên kênh YouTube hôm 13/8. Theo đó, ông Schmidt nhận xét: “Google quyết định rằng cân bằng giữa cuộc sống – công việc và tan làm sớm, làm việc ở nhà quan trọng hơn chiến thắng. Và lý do mà các startup làm việc hiệu quả là vì mọi người làm việc như điên”.
“Tôi xin lỗi vì nói thẳng nhưng sự thật là, nếu các bạn rời trường học và thành lập một công ty, bạn sẽ không để mọi người làm việc ở nhà và chỉ đến một lần một tuần nếu muốn cạnh tranh với các startup khác”, ông tiếp tục.
Ông cũng nói về việc nhiều công ty thống trị thị trường công nghệ từng bỏ lỡ làn sóng tiếp theo của ngành, đồng thời đánh giá cao tầm quan trọng của “những ý tưởng điên rồ” và những nhà sáng lập quyết liệt như Elon Musk. Ông còn khen ngợi hãng đúc chip TSMC vì quy định các tiến sĩ mới được tuyển dụng phải làm việc trong nhà máy.
Ông Schmidt làm CEO và Chủ tịch Google từ năm 2001 đến năm 2011 trước khi trao quyền lại cho đồng sáng lập Google Larry Page. Ông vẫn làm cố vấn kỹ thuật cho “ông lớn” công nghệ và rút lui hoàn toàn vào đầu năm 2020.
Trong thời kỳ Covid-19, Google thi hành chính sách làm việc từ xa. Từ năm 2022, hãng áp dụng mô hình kết hợp, trong đó, nhân viên đi làm xấp xỉ ba ngày mỗi tuần tại văn phòng và hai ngày tại nơi nào mà họ cảm thấy tốt nhất, dù đó là văn phòng hay ở nhà, theo Báo cáo thường niên 2022 của công ty. Giám đốc nhân sự Google Fiona Cicconi viết trong email gửi nhân viên rằng, “rõ ràng làm việc chung một không gian sẽ tạo ra khác biệt tích cực”.
Dù vậy, dường như cựu CEO Google đang muốn rút lại những lời nói vài tháng trước. Trả lời Wall Street Journal, ông thừa nhận “nói nhầm về Google và giờ làm việc của họ. Tôi rất tiếc vì sơ suất của mình”.
Theo tờ báo, ông Schmidt đã đề nghị Đại học Stanford gỡ video xuống. Đến trưa ngày 14/8, video không còn trên YouTube.
Nhiều CEO công nghệ phản đối làm việc từ xa
Trước đó, nhiều lãnh đạo đều bày tỏ cái nhìn không tốt về văn hóa làm việc từ xa. Năm 2023, CEO OpenAI Sam Altman trả lời tạp chí Fortune rằng một trong những “sai lầm tồi tệ nhất” của ngành công nghệ là cho phép nhân viên “làm việc từ xa mãi mãi”.
“Tôi muốn nói cuộc thí nghiệm ấy đã kết thúc và công nghệ vẫn chưa đủ tốt để mọi người làm việc từ xa mãi mãi, đặc biệt đối với các startup”.
Về phần mình, OpenAI đang áp dụng chính sách làm việc từ xa và kết hợp. Người phát ngôn của startup xác nhận vẫn yêu cầu nhân viên đến văn phòng ba ngày một tuần, trong khi duy trì một số nhân sự từ xa.
CEO Salesforce Marc Benioff – người từng tuyên bố bản thân là người làm việc từ xa mãn tính – cũng tin rằng một số nhân viên nên có mặt ở văn phòng. “Các kỹ sư của chúng tôi đặc biệt hiệu quả khi làm ở nhà… Dù vậy, cũng có những nhân viên bán hàng hiệu quả ở văn phòng”.
CEO Meta Mark Zuckerberg khẳng định “những người làm việc ở nhà không hiệu quả và các kỹ sư đến văn phòng làm được nhiều việc hơn”, dựa trên dữ liệu đánh giá nội bộ của công ty.
Năm 2023, CEO Tesla Elon Musk gọi làm việc từ xa là “sai lầm về đạo đức” trong cuộc phỏng vấn với CNBC.
Các nghiên cứu về tác động của làm việc từ xa không cho kết quả thống nhất. Vài nghiên cứu cho thấy năng suất làm việc tăng, còn số khác thì không. Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng sự khác biệt có thể do cách đo lường hiệu suất.
(Theo Insider, Sfgate)