Hội đồng Tư vấn quốc gia về tem bưu chính vừa họp chiều 30/5/2022, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng, và sự tham gia của các thành viên đến từ nhiều cơ quan, đơn vị như: Vụ Bưu chính – Bộ Thông tin và Truyền thông; Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương; Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Viện Sử học Việt Nam; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Hội Mỹ thuật Việt Nam; Hội Tem Việt Nam; Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
Hội đồng đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến cho khâu thiết kế của 5 bộ tem (1 bộ tem kỷ niệm và 4 bộ tem chuyên đề) sẽ được phát hành trong 6 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể: Bộ tem “Kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973-2023)”, gồm 1 mẫu, phát hành tháng 1/2023.
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Theo đó, Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng, dẫn đến ngày toàn thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hội nghị Paris và Hiệp định Paris mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và ngoại giao Việt Nam nói riêng trong thời đại Hồ Chí Minh như một mốc son không bao giờ phai mờ.
Bộ tem “Dơi”, gồm 5 mẫu tem, phát hành tháng 2/2023. Nhằm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ, bảo tồn loài dơi nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung của Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã làm việc với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, được các chuyên gia, nhà khoa học cung cấp tư liệu, hình ảnh của 16 loài dơi mới được phát hiện (có phân bổ tại Việt Nam) đã được công bố khoa học gần đây để lên ý tưởng thiết kế bộ tem.
Trước đó, năm 2000, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành bộ tem “Dơi” gồm 5 mẫu tem, giới thiệu các loài: Dơi đốm hoa, Dơi ăn quả, Dơi lá quạt, Dơi quả lưỡi dài, Dơi đầu chó.
Bộ tem “Phượng tím”, gồm 2 mẫu tem, phát hành tháng 3/2023. Phượng tím có tên khoa học là Jacaranda acutifolia, nguồn gốc Nam Mỹ, được du nhập Việt Nam và được trồng nhiều nhất tại Đà Lạt từ những năm 1970. Trên cơ sở các tư liệu, hình ảnh do Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cung cấp, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế một số phương án cho bộ tem.
Bộ tem “Cáp treo hiện đại”, gồm 3 mẫu tem và 1 blốc, phát hành tháng 4/2023. Cáp treo là loại hình du lịch được phát triển tại các địa điểm có tiềm năng du lịch ở Việt Nam. Hiện cả nước có khoảng 12 công trình cáp treo. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã làm việc và được tư vấn lựa chọn 4 hệ thống cáp treo được đánh giá cao và đạt kỷ lục thế giới để giới thiệu trên tem bưu chính, gồm: Cáp treo Fansipan Legend (Lào Cai); Cáp treo Bà Nà Hills (Đà Nẵng); Cáp treo Hòn Thơm (Kiên Giang); Cáp treo Nữ hoàng (Quảng Ninh).
Bộ tem “Hoa lan”, gồm 4 mẫu tem, phát hành tháng 6/2023: Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã làm việc với các nhà khoa học, các chuyên gia và được tư vấn lựa chọn 5 loài lan hài (trong số 14 loài được giới thiệu trong Sách đỏ) để giới thiệu trên bộ tem bưu chính, cụ thể gồm: Hài chân tím; Hài Việt Nam; Hài đỏ; Hài đài cuốn; Hài Tam Đảo. Các loài lan hài này đều chưa được giới thiệu trên tem bưu chính.
Trước đó, đã có 5 loài hoa lan được lựa chọn để đưa lên tem bưu chính, đó là: Bộ tem “Hoa phong lan” phát hành năm 1976, giới thiệu loài Phương dung; Bộ tem “Du lịch Sapa” phát hành năm 2003, giới thiệu loài Hài xoắn; Bộ tem “Hoa lan” phát hành năm 2013, giới thiệu 3 loài: Hạc vĩ, Kim điệp thân phình, Nhất điểm hồng.
Sau đánh giá sơ bộ và đề xuất lựa chọn của các thành viên hội đồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn kết luận: “Một số bộ tem phải thiết kế lại, để Hội đồng tiếp tục góp ý. Cần cố gắng đảm bảo sự hợp lý và logic của các mẫu tem bưu chính. Đặc biệt, cần nêu rõ quan điểm thiết kế mẫu tem. Mỗi mẫu tem phải có thuyết minh rõ định hướng thiết kế nhằm mục đích gì, chủ đề, tư tưởng cơ bản ra sao”.
Bình Minh