Hôm nay (26/10), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, dự thảo văn kiện lần này có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, kế thừa từ các nhiệm kỳ trước, cũng như từ những kinh nghiệm thành công của các nước.

{keywords}
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị. Ảnh: Minh Đạt

“Nếu trước đây ta mới chỉ ghi "xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh", thì lần này, dự thảo đề xuất "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh". Như vậy, đã bổ sung cả "hệ thống chính trị" bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội”, Chủ tịch MTTQ Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Theo ông Mẫn, dự thảo văn kiện tiếp tục nhấn mạnh đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Loại trừ bằng được phe nhóm trong lãnh đạo, quản lý

Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, giáo dục- đào tạo có bước phát triển nhưng quá chậm; lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều sai sót, môi trường chưa tốt, tài nguyên còn bị vi phạm nhiều, trong đó việc xây dựng quá nhiều thủy điện gần như xuyên suốt ở cá tỉnh miền núi gây nhiều thảm họa trong mùa lũ.

Về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tuy đã tiếp tục hoàn thiện nhưng việc vi phạm của các cơ quan pháp quyền vi phạm pháp luật còn nhiều, đến mức phải  xử lý như ở TP.HCM…

Về công tác xây dựng Đảng, tướng Võ Sở đề nghị, cần thường xuyên kiện toàn các cấp ủy, tiếp tục nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và các uỷ viên Trung ương, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các đồng chí Bí thư chi bộ.

"Phải loại trừ bằng được phe nhóm trong lãnh đạo, quản lý. Kiên quyết loại bỏ những người không đủ phẩm chất từ khi đại hội hoặc trong quá trình có biểu hiện xấu khỏi tổ chức Đảng. Thực hiện các biện pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng", ông Võ Sở nhấn mạnh.

{keywords}
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam. Ảnh: Minh Đạt

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn vắng bóng con người. Dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng không thấy tiêu chí cho từng con người thế nào thì phát triển thế nào.

GS Phạm Tất Dong đề nghị dự thảo văn kiện bảo cần làm rõ việc giáo dục đã tiến bộ, sâu sắc hơn trước cụ thể thế nào và còn những vấn đề gì? Chẳng hạn, dự thảo nói “Chương trình SGK phổ thông đang được triển khai đúng lộ trình”.

Theo GS Dong, điều này “đúng mà không đúng”. Bởi hiện nay cả xã hội đang xôn xao và cần đi sâu vào bản chất xem “quần chúng mong muốn gì ở SGK”.

Đề cập tới nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam cho rằng việc này đang đặt ra yêu cầu mới đối với mỗi người dân.

“Nếu công dân số thì có nghĩa là từ bà bán rau, ông bán nước cũng phải sử dụng được các tiện ích số. Có những bà bán nước nuôi 5 con ăn học, rồi mày mò dạy cho trẻ em sửa được máy tính. Có nửa số gia đình nông dân có ô tô, xe máy, xây lại nhà... Họ có thể sử dụng được các phương tiện số”, GS phân tích.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu

Ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lưu ý, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được nhiều lần xác định là khâu đột phá nhưng sự đột phá còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ông Tiêm dẫn chứng số liệu điều tra từ năm 2019 cho thấy, công nhân lao động cả nước ở trình độ tiểu học, trung học cơ sở (cấp 1, cấp 2) vẫn còn khoảng hơn 30%; trình độ trung học phổ thông (cấp 3) trở lên là 68%.

Về đào tạo nghề cho công nhân lao động, mặc dù doanh nghiệp cố gắng tham gia đào tạo, nhưng mới dừng lại ở 43%, đặc biệt là trình độ tay nghề, bậc thợ (từ bậc 4-7) còn rất là khiêm tốn, công nhân bậc cao rất ít, hiếm.

{keywords}
Ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Minh Đạt

Đặc biệt, trong 5 năm qua, việc công nhân lao động học về tin học, ngoại ngữ chỉ chiếm chưa được 10%.
Trong khi,đây là nguồn nhân lực thực tế, đây là giai cấp công nhân - lực lượng đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, cùng với điều kiện khoa học công nghệ chưa được đồng bộ nên năng suất lao động của chúng ta hiện nay còn thấp so với các nước trong khu vực. Kéo theo thu nhập của người lao động ở mức thấp, đồng nghĩa với việc công nhân lao động phải tăng số giờ làm thêm”, ông Tiêm phân tích.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay, công nhân lao động đang làm việc 48 giờ/tuần nhưng trong thực tế, phần lớn công nhân lao động làm việc 60 giờ trở lên, thậm chí đến 70 giờ/tuần, đây là điều rất bức xúc, làm sao công nhân có thời gian để học tập.

Vì vậy, ông mong muốn có sự đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục, đào tạo, bởi khi công nhân lao động được học tập suốt đời, được nâng cao trình độ đào tạo tại đơn vị thì tay nghề và thu nhập của người lao động sẽ được nâng lên.

Thu Hằng 

Không đủ chính sách khuyến khích người tài, đất nước không thể đi lên

Không đủ chính sách khuyến khích người tài, đất nước không thể đi lên

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII, nhiều nhà khoa học lưu ý, muốn đột phá phải có đội ngũ tinh hoa; đất nước không đủ chính sách khuyến khích những người thực sự tài năng thì không thể đi lên.