Và việc công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín luôn là vấn đề khó với nhiều lĩnh vực khác, chứ không chỉ riêng ngành Y.
Để có có bài báo đăng trên Nature, Science luôn là giấc mơ của cả đời làm khoa học của các nhà khoa học trên thế giới, kể cả ở những nước có nền khoa học phát triển như Anh, Hoa Kỳ...
Theo GS Văn, các tạp chí khoa học trên thế giới cũng có rất nhiều loại, được chia thành nhiều nhóm với mức độ uy tín và giá trị khoa học khác nhau. Nhiều người cũng đã cố để đưa ra một số các tiêu chí để "định lượng" giá trị khoa học của các tạp chí này.
Tuy nhiên các tiêu chí đó cũng chỉ mang tính chất tương đối, không thể thoả đáng cho tất cả các lĩnh vực khoa học chuyên sâu của chúng ta hiện nay. Thế giới cũng có những nhóm tạp chí mà chúng ta vẫn thường gọi là tạp chí "lá cải" với uy tín khoa học vô cùng thấp.
Vậy với Việt Nam thì sao?. Theo GS Văn, nhìn vào thực tại, để có được công bố ở những tạp chí khoa học đỉnh cao của thế giới với nguồn lực (con người, cơ sở nghiên cứu, tài chính) chỉ trong nước là vô cùng khó, nếu không muốn nói là không thể trong vòng ít nhất 5 năm nữa, thậm chí lâu hơn nếu chúng ta không có chính sách đầu tư đúng.
GS Tạ Thành Văn |
3 rào cản với các nhà khoa học để công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín:
Tiếng Anh: Tuy đây chỉ là điều kiện cần nhưng lại là vấn đề đầu tiên đặc biệt quan trọng đối với các nhà khoa học Việt Nam. Cứ hình dung một nhà văn giỏi có ý tưởng rất tuyệt vời nhưng không biết cách diễn đạt, các câu văn khi viết ra mà dùng từ không đúng, viết sai chính tả... thì tác phẩm đó sẽ như thế nào?.
Ý tưởng nghiên cứu: Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất đối với những người làm khoa học trên thế giới. Ý tưởng càng mới, càng có tính đột phá thì công trình đó càng giá trị và càng có khả năng được đăng trên các tạp chí "lớn".
Nếu công trình khoa học nào mà chỉ làm theo hoặc bắt chước ý tưởng hay phương pháp của một ai trước đó thì thường giá trị khoa học sẽ không cao và khi gửi đăng thì thường bị từ chối do không đạt yêu cầu về "tính mới". Đây cũng là hạn chế rất lớn của các nhà khoa học Việt Nam. Để có ý tưởng mới và đột phá, đất nước phải có một nền tảng khoa học cơ bản rất mạnh, bên cạnh đó các nhà khoa học của chúng ta phải "sống bằng khoa học, sống vì khoa học", họ phải đọc rất nhiều, giao lưu rất nhiều với đồng nghiệp cùng chuyên ngành thông qua các hội nghị, hội thảo quốc tế, trao đổi...
Cơ sở vật chất và tài chính: Khi đã có ý tưởng khoa học tốt rồi thì phải có điều kiện để các nhà khoa học có điều kiện để chứng minh ý tưởng đó. Điều kiện đó là phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp và phải có tiềm lực tài chính đầy đủ để chi trả cho người làm để mua các vật tư tiêu hao...và điều quan trọng là phải có cơ chế quản lý tài chính có khả năng thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ chứ không chỉ là ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động khoa học công nghệ.
Theo GS Văn, nhìn vào 3 yếu tố trên có thể thấy chúng ta đang ở đâu và căn nguyên tại sao lại như vậy. Lí do ông không đề cập đến nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của Việt Nam, một yếu tố đặc biệt quan trọng bởi đội ngũ cán bộ làm khoa học của chúng ta trong khoảng 10 năm trở lại đây đã lớn mạnh rất nhiều do các chính sách tăng cường đào tạo ở cả trong và ngoài nước.
"Đất nước hiện sở hữu nhiều nhà khoa học giỏi, tầm cỡ quốc tế trong số họ có những người được đào tạo trong nước, có những người được đào tạo ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới và có những nhà khoa học là Việt kiều trở về nước làm việc. Tuy nhiên, dù họ là ai đi chăng nữa mà không hội tụ được 3 yếu tố trên thì chúng ta sẽ luôn mãi ở sau" - GS Văn nói.
Sự đồng đều, bình quân là cản trở khoa học
Về giải pháp cho những vấn đề này, GS Tạ Thành Văn cho rằng, có lẽ quan trọng nhất là nhóm các giải pháp về chính sách, chúng ta cần phải ban hành các chính sách để các nhà khoa học Việt Nam có thể "sống bằng khoa học, sống vì khoa học".
"Tôi không muốn dùng cụm từ "đãi ngộ" vì dùng cụm từ này sẽ dễ đưa đến hiểu lầm là các nhà khoa học Việt Nam đòi hỏi, yêu cầu này nọ... Mà trên thực tế thì chả có nước nào mà các nhà khoa học trở nên giàu có cả nếu so sánh mặt bằng của xã hội đó, tuổi, thâm niên và ngành nghề của nhà khoa học đó so với người khác ở lĩnh vực khác. Tôi muốn nói ở đây là sự công bằng, chi trả theo năng lực".
Cần có cơ chế "sàng lọc, phân loại" các nhà khoa học. Họ phải được nuôi dưỡng, tạo điều kiện làm việc và chi trả phù hợp với năng lực khoa học của họ. Năng lực ở đây là các sản phẩm khoa học mà họ tạo ra hoặc ươm mầm các hạt giống tiềm năng để họ sẽ đem lại sản phẩm trong tương lai. Nên lưu ý, sự đồng đều, bình quân là sự cản trở khoa học.
Chúng ta cũng cần xác định mức độ ưu tiên cho từng lĩnh vực khoa học công nghệ theo từng cấp độ : Chiến lược quốc gia; Cấp Bộ/Ngành và theo từng địa dư khu vực. Điều này giúp chúng ta đầu tư trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội và tiết kiệm nguồn lực để từ đó có các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư theo lộ trình đã được xác định. Cần xác định nghiên cứu cơ bản là then chốt do nhà nước đầu tư, nghiên cứu ứng dụng là đặc biệt quan trọng, nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ một phần.
Chúng ta cần phải gắn nghiên cứu khoa học với hoạt động đào tạo để tiết kiệm nguồn lực và thực hiện "mục tiêu kép": khoa học thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và ngược lại. Hệ thống đào tạo hiện đại, tân tiến tạo ra các nhà khoa học tài năng và sản phẩm khoa học có giá trị. Trên thế giới, cái nôi của các phát minh, các giải thưởng lớn như giải thưởng Nobel thường là ở các trường đại học. Việc để tồn tại hệ thống các viện nghiên cứu, tách rời với hoạt động đào tạo của chúng ta hiện nay là hết sức tốn kém, lãng phí nguồn lực (con người và cơ sở vật chất) và ít hiệu quả.
Lê Huyền (ghi)
Lo nhiều chuyên ngành sắp không còn GS, PGS: Đề xuất hạ chuẩn?
Theo GS Đặng Vạn Phước, ngành Y xem xét những tạp chí trong nước, có giá trị, thì có thể nâng giá trị điểm của những tạp chí này lên. Các nhà nghiên cứu nếu không có bài báo quốc tế có thể đăng tải ở những tạp chí này.