Sáng 21/12, GS Võ Tòng Xuân có những chia sẻ với báo chí sau một ngày nhận Giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Cùng với GS Gurdev Singh Khush, ông giành Giải thưởng VinFuture với việc phát minh và phổ biến nhiều giống lúa năng suất cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
- Thưa Giáo sư, ông có cảm xúc thế nào khi nhận giải thưởng VinFuture vào tối qua?
GS Võ Tòng Xuân: Tôi thấy rất phấn khởi và vinh dự. Có một điều đặc biệt khi nghiên cứu của tôi không phải là khoa học thuần túy mà về khoa học ứng dụng.
Tôi chọn đi theo hướng khoa học ứng dụng bởi thấy rằng nhiều nhà khoa học cũng làm nghiên cứu, nhưng kết quả sau đó lại không sử dụng được. Tôi thấy nghiên cứu của mình cần làm sao cho thực tế để giúp được những đối tượng khó khăn.
Khuynh hướng của thế giới hiện nay là các nhà khoa học nghĩ tới các vấn đề rất mới, cao xa. Họ nghiên cứu để đăng trong các tạp chí khoa học, từ đó tính điểm thành tích. Làm như vậy thì tốt cho sự nghiệp của bản thân. Nhưng đối với xã hội, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam, nhiều đề tài sẽ không thể sử dụng được. Tôi rất cảm kích hội đồng Giải thưởng VinFuture vì đã nhận ra giá trị đó.
- Vì sao Giáo sư lại bắt tay vào việc nghiên cứu, phổ biến các giống lúa mới?
Mỗi nhà khoa học cần phải tìm hiểu các vấn đề khó khăn của xã hội mình, cùng với đó là hướng giải quyết. Tôi hay nói với sinh viên của mình rằng không có gì bằng việc học, học thật chứ không học giả. Học thật rồi mới thấy rõ vấn đề, phân tích, mổ xẻ nó để thấy cái gì cần phải giải quyết.
Nhờ khoa học, mình mới tìm ra hướng nghiên cứu, đặt ra giả thiết, từ đó tìm ra giải pháp. Sau đó, ứng dụng vào những nơi gặp khó khăn, để xem những giải pháp này có hiệu quả hay không.
Với trường hợp của tôi, tôi muốn làm sao để người nông dân Việt Nam giàu hơn. Đi nước này nước kia, tôi thấy sao người nông dân người ta giàu quá vậy mà nông dân nước mình tại sao lại nghèo thế. Cần làm sao để người nông dân trồng lúa Việt Nam có thu nhập cao lên. Từ đó, tôi xác định mục tiêu để học, nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề.
- Vậy đâu là những khó khăn của người nông dân Việt Nam? Giáo sư đã giải quyết vấn đề đó như thế nào?
Trước kia, giống lúa của Việt Nam là giống dài ngày, 6-7 tháng mới thu hoạch được mà năng suất chỉ có 1-2 tấn. Mong muốn của tôi là phải làm sao để cùng một diện tích đó, người nông dân có thể trồng giống lúa khác với năng suất cao hơn.
Lúc đó, tôi vẫn chưa biết cần phải lai tạo như thế nào. Khi thấy Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) mới thành lập với nhiều chuyên gia rất giỏi, tôi liền sang đó học.
Sau đó, tôi đem những kết quả nghiên cứu của người ta về thử nghiệm trên vùng đất của mình, rồi chọn ra những giống mới thích hợp với đất đai, khí hậu Việt Nam và nhân giống, thuyết phục bà con nông dân trồng.
Tôi thuyết phục người nông dân rất nhanh bởi tôi vừa làm nghiên cứu vừa dạy học về nông nghiệp. Ban đầu, tôi bảo sinh viên mang những kết quả nghiên cứu về triển khai ở chính gia đình mình.
Bà con mình thường có cái nhìn rằng, bao đời nay, từ thời ông bà đã trồng lúa rồi, thầy của con mình thì biết gì mà dạy. Sinh viên của tôi lúc đó phải dọa rằng, ba phải làm y chang như thầy con, nếu không thầy cho con điểm thấp, thế là ổng phải nghe lời, bởi cha mẹ ai cũng thương con, muốn con điểm cao.
Sau khi làm theo cách của tôi, phụ huynh đó mới thấy rằng làm kiểu này hay hơn, từ đó họ mới chấp nhận cái mới. Đây là con đường mà tôi đã đi suốt gần 50 năm nay.
- Giáo sư có chia sẻ rằng muốn giúp người nông dân Việt Nam giàu lên. Mục tiêu này đã được ông thực hiện đến đâu, thưa ông?
Hồi những năm 70, 80, giống lúa của Việt Nam khi đó năng suất đã cao hơn, nông dân khoái lắm nhưng ăn lại không ngon. Từ sau đó, tôi mới đưa các gen mới vào để lai tạo giống.
Đến thời điểm này, giống lúa của mình vừa năng suất cao, làm được nhiều vụ một năm, lại vừa thơm, ngon. Tuy nhiên, mục tiêu là làm cho nông dân khấm khá hơn thì lại chưa đạt được. Lý do là vì giá lúa gạo thấp quá.
Rất may, Việt Nam có những vị lãnh đạo rất sáng suốt. Trong nhiệm kỳ trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đi làm việc với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có nói rằng, bây giờ nếu ép nông dân trồng lúa mọi nơi, có những nơi đất tốt, đầy đủ nước thì lúa lên rất tốt, nhưng người dân ở những vùng đất mặn, không thích hợp cho cây lúa phát triển, nếu ép họ làm thì không tốt. Chính phủ sau đó mới có nghị quyết về việc trồng lúa theo hướng thích nghi với thiên nhiên, sinh thái.
Ví dụ, ở những vùng ngập mặn, thay vì Nhà nước phải đắp đập, đào kênh đưa nước ngọt tới để nông dân trồng lúa, giờ tại đó sẽ trồng lúa trong mùa mưa. Khi hết mưa, mình thu hoạch lúa, rồi đưa nước mặn vô để nuôi tôm. Nhờ vậy, nông dân đạt lợi tức gấp 4 lần trồng lúa.
Theo góc nhìn của tôi, mình cần làm khoa học một cách thực tiễn, nhưng môi trường chính sách cũng cần phải điều chỉnh để sao cho thích hợp.
- Ông đánh giá thế nào về môi trường làm việc của các nhà khoa học Việt Nam?
Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học của chúng ta hiện nay còn ít, có lẽ do ngân sách nhà nước không đủ để chi cho tất cả. Nhiều nhà khoa học vì thế không thể làm nghiên cứu được, nhất là các nhà khoa học trẻ. Nếu họ không có sự hướng dẫn của các thầy có kinh nghiệm thì lại càng khó khăn hơn.
Các nhà khoa học Việt Nam thay vì nghiên cứu theo các hướng cao xa, rồi không có tiền làm, hãy trở về với vấn đề của các địa phương, doanh nghiệp, xem những khó khăn của người ta rồi cùng nhau làm, tìm ra hướng giải quyết.
Chúng ta cũng có thể mang những khó khăn của địa phương đến gặp các mạnh thường quân, thuyết phục họ hỗ trợ việc nghiên cứu. Quan trọng nhất là người làm khoa học phải học đến nơi đến chốn, thấy rõ vấn đề, rồi từ đó mới tìm các tài nguyên để nghiên cứu khoa học.
Muốn người ta tin, mình phải chứng tỏ cho họ thấy được kết quả. Các nhà khoa học trẻ cần phải tạo lập được uy tín của mình với cấp trên và các đối tượng mình phục vụ. Muốn làm được vậy, mình phải học thật kỹ, hiểu sâu vấn đề đang nghiên cứu.
- Cảm ơn Giáo sư!