Tôi đã quan sát những người mẹ mà mình biết. Đó là mẹ tôi, là bà tôi, là mẹ bạn bè tôi, là đồng nghiệp, là những người phụ nữ trên đường mà tôi gặp, rồi chính bạn bè tôi cũng lần lượt trở thành mẹ. Có người lựa chọn trở thành mẹ, có người không. Và tôi cho rằng, người chọn làm mẹ là người dũng cảm.
Nhân vật “Cô cá Taiko” trong series truyện về nhân vật này của tác giả Hideko Nagano do Mọt sách Mogu phát hành mang đến hình ảnh bà mẹ thú vị. Là mẹ của cả bầy con nhỏ nhưng cô không có dáng vẻ gì của bà mẹ tảo tần tất bật. Nếu có tất bật cũng chỉ bởi cô tò mò về thế giới trên cạn quá và sẵn sàng lên đường thử nghiệm ngay và luôn.
Hài hước hơn, cô cá Taiko biết đi trên mặt đất. Gần đây trong nhiều bài viết trên mạng xã hội hay xuất hiện câu “Đừng dạy cá cách leo cây”. Nhưng đó là ở thế giới này thôi. Nếu muốn gặp cá đi bộ bằng giày cao gót, cá đi siêu thị, cá đi làm đầu, cá đi picnic, cá đi leo núi thì bạn nên đọc truyện về cô cá Taiko. Có lẽ nàng tiên cá trong truyện cổ tích Andersen sẽ chạnh lòng nếu gặp cô cá Taiko của chúng ta.
Cô cá Setouchi Taiko muốn leo núi Phú Sĩ ra mắt vào năm 2020, kỷ niệm tròn 25 năm nhân vật cô cá Taiko xuất hiện trong thế giới Ehon. Chắc bởi thế mà cô đã làm một chuyến ra trò. Đó là đi gặp núi Phú Sĩ. Đâu đó trong định kiến của chúng ta, núi Phú Sĩ thật trang nghiêm và hùng vĩ. Nhưng cô cá Taiko gặp rồi mới biết, núi Phú Sĩ cũng “sành điệu” không kém cạnh ai cả.
Cuộc hội thoại và hát hò của cô cá Taiko với núi Phú Sĩ vui nhộn và tưng bừng hết sảy. Thế giới quanh cô cá Taiko trở nên tươi sáng và thú vị bởi chính cô là người tìm thấy niềm vui trong mọi hành động của mình
Câu chuyện về cô cá Taiko hết sức phi lý nhưng rất gần gũi. Tôi nghĩ mình đã bắt gặp chính những bà mẹ xung quanh trong câu chuyện này. Thực ra mẹ là mẹ nhưng mẹ cũng là một con người bình thường. Mẹ ham làm điệu, ham chơi, thỉnh thoảng hơi ngốc nghếch và không hoàn hảo. Chính điều đó khiến mẹ là chính mẹ, thay vì mẹ luôn phải làm siêu nhân nghiêm túc. Tôi nghĩ con của cô cá Taiko sẽ vui vẻ khi được ở cạnh bên một bà mẹ hạnh phúc.
Giống như các tác phẩm khác của tác giả Hideko Nagano, cuốn sách Cô cá Setouchi Taiko muốn leo núi Phú Sĩ được vẽ bằng niềm vui và sự tỉ mỉ, giúp trẻ em vui thích khám phá các chi tiết nhỏ ẩn trong từng trang tranh vẽ. Hơn thế, cuốn truyện có sự khéo léo và duyên dáng trong nghệ thuật kể chuyện. Nhờ thủ pháp nhân hóa núi Phú Sĩ, các đặc điểm tự nhiên của ngọn núi lửa nổi tiếng nhất Nhật Bản được diễn giải theo cách dễ hiểu với trẻ em. Núi Phú Sĩ tức giận là lúc núi lửa phun trào. Núi Phú Sĩ với tuyết tan trên đỉnh, khi được mặt trời nhuộm đỏ là núi Phú Sĩ đỏm dáng… Một chuyến leo núi điển hình của người Nhật cũng được mô tả đầy đủ trong cuốn truyện từ khâu chuẩn bị kĩ càng đến cả hành trình nhiều hoạt động và kết thúc bằng việc đi tắm tại nhà tắm công cộng. Nếu yêu thích văn hóa Nhật Bản thì chắc hẳn những chi tiết này không còn xa lạ với độc giả.
Để kết lại, tôi nghĩ không gì bằng cuối tuần ngồi đọc truyện về cô cá Taiko và cười khì khì. Nếu bạn đã trở thành mẹ, bạn có thấy mình trong cô cá Taiko?
Linh Trụ