Tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Mèo Vạc nói riêng là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em. Người Mông là bộ phận dân cư chiếm đa phần ở vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là một trong những nhân tố chính tạo nên bản sắc văn hóa của mảnh đất phên giậu quốc gia. Trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, đồng bào dân tộc Mông huyện Mèo Vạc đã xây dựng một nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc và được giữ gìn, bảo tồn khá tốt.
Với chủ trương, biến tiềm năng, thế mạnh di sản thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, ngày hội văn hóa dân tộc Mông đã được tỉnh Hà Giang tổ chức định kỳ hằng năm.
Xác định được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, huyện Mèo Vạc quy hoạch tổ chức các lễ hội theo định kỳ hằng năm, trong đó có Ngày hội văn hóa dân tộc Mông.
Sự kiện đã góp phần thiết thực, phát huy tốt các giá trị văn hóa bản sắc của các dân tộc; khôi phục và phát triển được các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông, tạo được nhiều dấu ấn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu và được đánh giá cao.
Theo kế hoạch, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông và Festival khèn Mông được tổ chức với nhiều nội dung đặc sắc nhằm tải hiện các hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc truyền thống của cộng đồng dân tộc Mông được duy trì từ hàng trăm năm qua.
Tiếng Khèn- "linh hồn" của người Mông
Hiện nay, dù đời sống kinh tế của người dân vùng cao nguyên đá đã có nhiều đổi thay, tuy nhiên cây khèn vẫn còn giữ nguyên vị trí của nó.
Trong tiếng Mông, khèn được gọi là “chúa kềnh”. “Chúa kềnh” rất quan trọng và được xem là vật mang giá trị tâm linh, gắn liền với cuộc sống tinh thần của người Mông. Thiếu tiếng khèn, là thiếu đi “linh hồn” của người Mông.
Cây khèn gắn bó với người Mông hàng ngày, mỗi khi xuống chợ cũng như trong các dịp lễ, tết, xuống chợ, tìm người yêu... (trừ đám cưới).
Đặc biệt, cây khèn là vật không thể thiếu trong tang lễ, bởi người Mông quan niệm, tiếng khèn là công cụ để người sống và người chết có thể giao tiếp với nhau. Có tiếng khèn thì linh hồn người chết mới được đưa về tổ tiên. Khèn trong đám tang của người Mông có hơn 60 bài, tùy theo hoàn cảnh gia đình và sự ra đi của người chết, người thổi khèn sẽ tấu những bài phù hợp.
Nghệ thuật trình diễn khèn thể hiện đặc sắc, kết hợp giữa âm thanh và động tác của người múa với cây khèn. Người múa say sưa thể hiện các bài khèn, kèm theo là các động tác nhuần nhuyễn. Khèn thổi đi đôi với múa, đã thổi khèn là không để đôi chân đứng yên. Không chỉ múa khèn một người mà đến bốn người hoặc hơn, khi múa khèn với nhau chân đá rất đều và khỏe phù hợp với điệu khèn.
Múa khèn thể hiện bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của cộng đồng người Mông, ghi dấu ấn sâu sắc trong các lễ nghi. Đồng thời, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, mang ý nghĩa thiết thực về tính nhân văn, tính cộng đồng cao, là nét đẹp văn hoá góp phần thúc đẩy và làm giàu cho nền văn hóa của các dân tộc ở mỗi địa phương.
Yên Minh