Năm 2021, nhờ sự quan tâm sát sao, chỉ đạo quyết liệt, của Ban Thường vụ tỉnh uỷ, Ban chỉ đạo và Ban điều hành chuyển đổi số cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, công tác chuyển đổi số đã khởi sắc và đạt kết quả quan trọng trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Để triển khai hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số năm 2022, ngay từ những tháng đầu năm, tỉnh Hà Giang đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực như:
Trong xây dựng Chính quyền số, mạng Truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh được duy trì, nâng cấp; 100% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã có mạng LAN, kết nối Internet. Triển khai thí điểm hạ tầng điện toán đám mây cho Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh bao gồm Cổng thông tin điện tử của tỉnh; cơ sở dữ liệu nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao. Tổ chức rà soát thông tin của 28 thôn đặc biệt khó khăn chưa có sóng di động để Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển hạ tầng trạm phát sóng di động theo chương trình Viễn thông công ích.
Thời gian qua, việc ứng dụng chữ ký số trong gửi và nhận văn bản điện tử được chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến rõ rệt. Đến nay, 18/20 cơ quan cấp tỉnh đã có tỷ lệ sử dụng chữ ký số cá nhân đạt trên 80%, 02/02 đơn vị đạt từ 75-80 là Sở Công thương và Ban Dân tộc. Trong năm nay, Hà Giang đẩy mạnh thực hiện khảo sát hiện trạng và đăng ký nhu cầu bổ sung hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước. Cụ thể, xây dựng kế hoạch hỗ trợ thí điểm chuyển đổi số xã Tả Ván, huyện Quản Bạ năm 2022 làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình Chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Về chuyển đổi số doanh nghiệp, tổ chức Hội nghị với chủ đề "Chìa khóa để tăng trưởng và phát triển bền vững" với tổng số gần 20 đại biểu tham dự đến từ UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Giang; Phối hợp với Công ty Base - FPT làm việc trực tiếp với 17 doanh nghiệp, HTX tiên phong chuyển đổi số; đến nay đã có 04 doanh nghiệp ký kết hợp đồng triển khai gói chuyển đổi số mô hình quản trị trong chương trình tài trợ cho Công ty Base - FPT.
Về truyền thông số, thực hiện phát trực tiếp chương trình nghệ thuật "Sắc Xuân nơi địa đầu Tổ quốc" trên Fanpage Thông tin Hà Giang. Truyền thông trên mạng xã hội về các hoạt động chuẩn bị, đảm bảo đón xuân Nhâm Dần; kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai 2022; quảng bá du lịch Hà Giang…
Triển khai giải pháp hỗ trợ tạo lập hồ sơ điện tử để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Phát động phong trào thi đua về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. 100% cán bộ công chức có hộp thư tài khoản thư điện tử và thường xuyên sử dụng trong công việc. 100% lãnh đạo có thẩm quyền được trang bị chữ ký số.
Năm 2022, Hà Giang tiếp tục triển khai đề án Trung tâm điều hành thông minh. Các cơ quan đơn vị xây dựng Cổng dữ liệu dùng chung trên địa bàn tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với nền tảng LGPS của tỉnh. Triển khai Hội nghị chuyển đổi số - Giải pháp phát triển kinh tế, xã hội nhằm nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Ban hành quy định về các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn dữ liệu đối với các sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh với Cổng dự liệu dùng chung của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang xác định, chuyển đổi số là xu thế, nhu cầu tất yếu, để phát triển mạnh KTXH trên nền tảng công nghệ thông tin. Trên cơ sở kế hoạch và chương trình hợp tác các sở, ngành phát động mạnh phong trào thi đua chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số của các sở, ngành và địa phương. Tham mưu tăng cường nhân lực công nghệ thông tin. Mỗi sở, ngành phải tiết kiệm chi phí để đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin của đơn vị mình. Đặc biệt trên cơ sở nội dung chuyển đổi số huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin. Triển khai các nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu và tạo lập hệ thống để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng số, chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan nhà nước.
Tại cuộc họp Ban điều hành chuyển đổi số tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2022 , Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã yêu cầu: Các sở, ngành, huyện thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số đến các tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp; tuyên truyền về các sự kiện kinh tế, văn hóa, du lịch, chính trị trên kênh truyền thông số; Nâng cao nhận thức và đồng hành với Đoàn viên thanh niên trong phong trào thi đua chuyển đổi số; Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông, du lịch, y tế, nông nghiệp... để thực hiện ba đột phá, năm nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Yên Minh