Là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành y tế tỉnh Hà Giang quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Ðến nay, hệ thống y tế cơ sở của tỉnh đã được củng cố, bổ sung; năng lực, trình độ cán bộ y tế nâng lên, đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay tại tuyến cơ sở.
Trong quá trình chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy và Uỷ ban nhân dân các huyện trên toàn tỉnh Hà Giang luôn khẳng định bảo hiểm y tế là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò an sinh xã hội gắn kết đồng hành với xây dựng nông thôn mới. Từ đó đề cao việc chỉ đạo phát triển số người có thẻ bảo hiểm y tế để đảm bảo các quyền lợi được hưởng cũng như những hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trước những rủi ro, bất trắc về sức khỏe có thể xảy ra.
Các ban ngành, địa phương triển khai thực hiện khá tốt phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các xã chủ động rà soát và có kế hoạch chỉ đạo phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80% người dân có thẻ bảo hiểm y tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Do đó, số người có thẻ bảo hiểm y tế tăng mạnh, khi bệnh tật được quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho việc điều trị, giảm gánh nặng, áp lực kinh tế đối với người dân cũng như với ngành y tế.
Tất cả các địa phương trong tỉnh Hà Giang đều đưa các tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã vào các nghị quyết của chi bộ, Đảng bộ các cấp, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền, giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã đạt hiệu quả hơn. Nhờ thực hiện tốt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã mà nguồn lực cho y tế cơ sở được nâng cao, tạo bước đột phá trong huy động đầu tư, các trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp, cung cấp thêm các trang thiết bị y tế.
Ngành y tế đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tập huấn, nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ tuyến cơ sở, đặc biệt là các kiến thức, kỹ năng về sơ, cấp cứu ban đầu, nhi khoa, sản khoa để áp dụng vào thực tiễn công tác. Trung tâm y tế các huyện thường xuyên hỗ trợ các trạm y tế xây dựng, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật chuyên khoa; luân phiên điều động cán bộ tại các trạm y tế để học tập chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới.
Hiện nay, toàn tỉnh có 175 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 18 phòng khám đa khoa khu vực. Với việc thực hiện quản lý, theo dõi sức khỏe của người dân, triển khai các chương trình, dự án quốc gia về y tế như tiêm chủng mở rộng; giám sát dịch bệnh truyền nhiễm; quản lý bệnh không lây nhiễm; vệ sinh môi trường, dân số - kế hoạch hóa gia đình... mạng lưới y tế cơ sở đã tạo thuận lợi cho người dân trong việc khám và điều trị ngay tại địa phương, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho bà con vùng sâu, vùng xa.
Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW (25/10/2023) về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành chương trình thực hiện Chỉ thị phù hợp với thực tế địa phương. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của y tế cơ sở. Đầu tư nguồn lực và đẩy mạnh vận động tổ chức, cá nhân hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trạm y tế các xã, phường, thị trấn, phòng khám khu vực. Khuyến khích y tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khoẻ người dân.
Thời gian tới, ngành y tế tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế cơ sở; tăng cường chuyển giao kỹ thuật mới, hiện đại. Bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ y tế phù hợp theo quy định, đảm bảo 100% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật. Triển khai đồng bộ việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý trạm y tế và thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. Tăng cường kết nối giữa y tế cơ sở với y tế tuyến trên trong tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở.