Thực hiện kế hoạch về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025, những năm gần đây Hà Giang đã triển khai nhiều hoạt động văn hoá, trong đó đã duy trì tổ chức các lễ hội, khôi phục các nghề truyền thống của đồng bào DTTS.
Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Yên Minh tổ chức mở lớp truyền dạy Tết cá của người Tày tại xã Mậu Duệ.
Đây là một trong những hoạt động nhằm tiếp tục thực hiện các Nghị định, Chỉ thị, Nghị quyết, Chiến lược của Đảng và Nhà nước về văn hóa các DTTS; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS phù hợp với tình hình thực tế.
Việc mở lớp truyền dạy Tết cá của người Tày tại xã Mậu Duệ với mục đích bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân thực hành nghi lễ Tết cá của người Tày có điều kiện phát huy trong tương lai góp phần thiết thực vào việc xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cùa đồng bào Tày nói riêng và các dân tộc tỉnh Hà Giang nói chung.
Đồng thời, Hà Giang cũng tổ chức nhiều hoạt động lễ hội dân tộc lớn như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, Lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày, Nùng, lễ hội khèn Mông, lễ cúng Tổ tiên của dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú; bảo tồn tiếng nói, chữ viết, ẩm thực, trang phục, kiến trúc, khuôn viên nhà ở…
Vào đầu tháng 3/2023, Sở văn hoá thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức hội thi “Thổi và múa Khèn Mông” tỉnh Hà Giang năm 2023 thu hút gần 200 nghệ nhân trong tỉnh. Hội thi nhằm tôn vinh, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nhân văn, độc đáo của khèn Mông trong sinh hoạt hằng ngày và trong các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Ngoài việc duy trì và tổ chức các lễ hội văn hoá, tỉnh Hà Giang cũng chú trọng việc khôi phục, phát huy hiệu quả các nghề truyền thống, như nghề đan lát của dân tộc Mông tại xã Đường Thượng, Thắng Mố; nghề thêu trang phục dân tộc Mông tại xã Phú Lũng; nghề chế tác khèn Mông tại xã Lao Và Chải; truyền dạy chữ nôm của dân tộc Dao tại xã Ngam La, thị trấn Yên Minh.
Nhờ sự bảo tồn, duy trì và phát triển nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc đã và đang được bảo tồn và phát triển đã góp phần tích cực trong giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân.