Mặc dù không đề cập cụ thể tới Trung Quốc, song mục đích chính của dự luật này nhằm ngăn sinh viên từ đại lục tiếp cận những tài liệu nhạy cảm trong quá trình theo học tại quốc gia này.
Đây là bước leo thang mới nhất trong cuộc chiến ngoại giao giữa Hà Lan và Trung Quốc về công nghiệp bán dẫn. Trước đó, đầu năm nay chính phủ “hoa tuylip” đã đồng ý tham gia nỗ lực của Mỹ nhằm siết chặt hơn nữa việc xuất khẩu công nghệ chip sang Trung Quốc, đồng thời mở cuộc điều tra nhằm vào thương vụ thâu tóm một nhà sản xuất chip địa phương của Nexperia - một doanh nghiệp thuộc sở hữu của Bắc Kinh.
Bộ Giáo dục Hà Lan xác nhận họ đang xem xét các biện pháp sàng lọc bắt buộc với sinh viên và nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực nhạy cảm. Cơ quan này nói rằng các biện pháp sẽ mang tính trung lập không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
Trong khi đó, báo cáo gần đây của cơ quan tình báo Hà Lan nhận định Trung Quốc “là mối đe doạ lớn nhất” đối với an ninh kinh tế quốc gia này, dù Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại lớn nhất.
Cơ quan an ninh cho biết, nhiều công ty và tổ chức của Hà Lan gặp khó khăn trong việc đánh giá rủi ro về hợp tác kinh tế và khoa học với Trung Quốc, do “những bất lợi thường chỉ trở nên rõ ràng trong dài hạn”.
Báo cáo cũng chỉ ra, “tiếp quản công ty và hợp tác học thuật” là những cách Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các công ty và tổ chức công nghệ cao của Hà Lan.
Đầu năm nay, ASML Holding, mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, cáo buộc một cựu nhân viên làm việc Trung Quốc đã đánh cắp thông tin bí mật công ty.
Hà Lan là một trong những nguồn cung cấp máy móc và chuyên môn bán dẫn hàng đầu thế giới, đang đối mặt áp lực ngày càng lớn từ Washington để tạo ra cuộc phong toả toàn cầu, kìm hãm năng lực sản xuất chip của Bắc Kinh. Song, Trung Quốc là một trong những khách hàng lớn nhất của ASML - công ty công nghệ giá trị nhất của Hà Lan nói riêng và châu Âu nói chung.
Theo tờ Wall Street Journal, số lượng thị thực Mỹ cấp cho sinh viên Trung Quốc đã giảm hơn 50% trong nửa đầu năm 2022 so với thời điểm trước Covid-19.
Bên cạnh đó, chính phủ Hà Lan cũng đang thực hiện Đạo luật Kiểm tra An ninh Đầu tư, Sáp nhập và Mua lại, cho phép họ hạn chế quy mô đầu tư hoặc ngăn chặn thoả thuận của các công ty quốc tế dựa trên cơ sở an ninh quốc gia.
Quy định hiện hành của Hà Lan cho phép các trường đại học có quyết định độc lập về đơn xin học của sinh viên quốc tế, cũng như các nhà nghiên cứu đăng ký vào những chủ đề nhạy cảm. Trong trường hợp không thể quyết định, họ có tuỳ chọn liên hệ với chính phủ để tham vấn.
(Theo Bloomberg)