Hạ lưu sông Đà nơi giáp ranh hai giữa Hòa Bình và Phú Thọ đang bị cạn trơ đáy.
Các nhà máy thủy điện dọc sông Đà như thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu,.. đóng góp gần 40% tổng công suất điện phía Bắc. Tuy nhiên, hiện 4/5 nhà máy tạm dừng hoặc phát điện cầm chừng do hồ chứa xuống dưới mực nước chết.
Do khô hạn kéo dài, việc di chuyển thuyền, bè của người dân Hòa Bình gặp nhiều khó khăn. Nhiều chiếc thuyền thậm chí mắc cạn giữa lòng sông.
Tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), cách Hòa Bình khoảng 50km, lòng hồ cũng trong tình trạng tương tự. Nhìn từ trên cao có thể thấy rõ phần đáy của sông Đà nhô lên.
Trong gần 1 tuần nay, nhiều hộ dân tại huyện Thanh Thủy sống trong cảnh thiếu nước sạch do nước sông Đà cạn, bãi bồi chặn dòng chảy. Để khắc phục sự cố, Xí nghiệp cấp nước Thanh Thủy phải thuê máy đào thành kênh, tạo dòng chảy dẫn nước vào khu xử lý.
Các công nhân phải làm việc liên tục nhiều ngày để khắc phục sự cố. "Đây chỉ là phương án tạm thời, còn lâu dài phải chờ mực nước sông Đà trở lại bình thường việc cung cấp nước sạch cho người dân mới ổn định trở lại", đại diện xí nghiệp chia sẻ.
Tại xã Xuân Lộc (huyện Thanh Thủy) có gần 10 hộ dân nuôi cá với quy mô lên tới hàng trăm lồng. Do tình trạng khô hạn kéo dài, việc phát triển nuôi cá lồng bè của người dân địa phương đang gặp nhiều khó khăn.
Theo các hộ dân ở khu vực này, trong những năm gần đây sông Đà chuyển đổi dòng chảy, hình thành các bãi cát bồi cục bộ tại đoạn qua khu vực nuôi cá lồng. Trong hai tuần qua, ngày nào các anh cũng phải hút cát ra, bơm oxy vào để cứu sống những con cá còn lại. Nếu tình trạng cạn kéo dài, rất có thể việc nuôi cá lồng lâm vào cảnh không thể cứu vãn.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thanh Thủy đến nay có khoảng số 335 lồng nuôi cá trên sông Đà. Tại cụm nuôi xã Xuân Lộc có khoảng 150 lồng nguy cơ bị mắc cạn. Hiện các hộ dân đang nỗ lực hết mình để khắc phục hậu quả với hy vọng thu lại ít vốn liếng nhằm trang trải cho cuộc sống.