Tại Nam Định, trước diễn biến lũ phức tạp trên các tuyến sông, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương vận động, hỗ trợ di dời hàng nghìn người dân ven đê bối đến nơi tránh trú an toàn.
Trao đổi với PV VietNamNet, Chủ tịch UBND TP Nam Định (tỉnh Nam Định) Nguyễn Tiến Dũng cho biết, trên toàn TP đã di dời hơn 8.000 người dân về điểm an toàn.
Tại địa bàn phường Cửa Nam (TP Nam Định), trước tình trạng lũ báo động 3, lực lượng chức năng đã tổ chức di dời toàn bộ hộ dân vùng xung yếu ra khỏi nơi nguy hiểm.
Chủ tịch UBND phường Cửa Nam Đỗ Thị Tuyết cho biết: Trên địa bàn có tuyến đê dài hơn 2km, trước tình hình lũ báo động 3, đã kịp thời triển khai công tác di dời các hộ dân đến nơi an toàn.
“Sau khi di dời các hộ dân, phường đã lập 3 chốt an ninh, căng dây cảnh báo tại 3 tổ dân phố để ngăn người dân quay trở lại địa bàn úng lụt”, bà Tuyết cho biết.
Còn tại huyện Trực Ninh, đến chiều tối nay, toàn bộ 459 hộ dân với 1455 nhân khẩu đã được tuyên truyền, vận động và cưỡng chế di dời đến ở tạm tại trường học trên địa bàn.
Hà Nam sơ tán 1.344 hộ dân
Tính đến 13h ngày 11/9, mực nước trên sông Đáy tại Trạm thủy văn Phủ Lý là 5,05m, trên báo động 3 là 105cm. Đến 19h cùng ngày, lũ trên sông Đáy dự báo sẽ vượt báo động 3 là 110cm, trên trận lũ lịch sử 17cm.
Tính đến 10h ngày 11/9, tổng số hộ dân bị ngập lụt tại Hà Nam do lũ trên sông Đáy, sông Châu Giang, sông Hồng dâng cao là 6.387 hộ dân. Các lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam đã khẩn trương triển khai di dời, sơ tán 1.344 hộ dân đến khu vực an toàn.
Các hộ dân chưa di dời đều ở khu vực phía trong đê bối, theo diễn biến lũ các địa phương sẽ chủ động triển khai phương án di dời. Tại các địa điểm sơ tán, đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sinh hoạt về thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết.
Sáng nay, UBND tỉnh Hà Nam ban hành văn bản chỉ đạo về việc tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các công tác khắc phục; Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.
Đồng thời, khẩn trương kiểm tra, rà soát, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, gia cố hệ thống công trình thủy lợi, đê điều; chỉ đạo các lực lượng trực 24/24 giờ, nhất là các vị trí xung yếu, các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.