UBND TP Hà Nội vừa giao Sở GTVT xây dựng dự án phát triển xe đạp công cộng để thực hiện tại 5 quận trung tâm. Theo đó, trước tiên xe đạp được sử dụng phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm bao gồm đạp truyền thống, xe điện 2 bánh.
Việc triển khai dự án dịch vụ xe đạp công cộng sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (dự kiến 1 năm), TP sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện.
Số xe này sẽ được bố trí tại từ 70 đến 80 vị trí tại các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Thời gian dự kiến thực hiện năm 2022 đến 2023.
Hà Nội cần sớm tạo điều kiện phát triển xe đạp công cộng |
Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 đến 2024 dự án mở rộng vùng phục vụ: tập trung phát triển mở rộng vùng dịch vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm, chi tiết các địa điểm này sẽ được đơn vị thực hiện và các cơ quan có liên quan khảo sát và lựa cụ thể.
Theo Sở GTVT Hà Nội, dự án dự kiến thực hiện thí điểm trong vòng 18 tháng, mức phí được đưa ra để người dân có thể sử dụng xe đạp điện là khoảng 20.000 đồng/giờ hoặc 200.000 đồng/ngày.
Việc Hà Nội triển khai xe đạp công cộng nhận được sự quan tâm của không ít người dân và các chuyên gia.
Ông Nguyễn Văn Tuấn ở Ba Đình (Hà Nội) cho biết, việc Hà Nội phát triển xe đạp là xu thế tất yếu để hướng tới phát triển Thủ đô theo hướng văn minh không ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường.
Tại các nước Đức, Hà Lan, Pháp… xe đạp được sử dụng phổ biến và đem lại hiệu quả tối đa giúp người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
“Xe đạp là phương tiện hỗ trợ cho người dân sử dụng giao thông công cộng thuận tiện. Vấn đề quan trọng nhất đặt ra là Hà Nội phải làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng xe đạp một cách thuận tiện, an toàn”, ông Tuấn nói.
Đồng tình với việc Hà Nội phát triển xe đạp công cộng, ông Nguyễn Văn Thạch, nguyên Vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, người dân sử dụng giao thông công cộng sẽ thuận tiện hơn nếu ở các ga đón trả khách của tàu điện hoặc trạm trung chuyển xe buýt được bố trí điểm xe đạp công cộng.
Mặc dù vậy, ông Thạch cũng nói rõ, việc Hà Nội cho phát triển xe đạp công cộng thời điểm hiện nay sẽ chưa phát huy hết hiệu quả do TP mới chỉ có 1 tuyến đường sắt đô thị. Tuy nhiên nếu không bắt đầu thì chưa biết lúc nào Hà Nội mới khuyến khích được người dân đi xe đạp.
“Xe đạp chỉ thực sự phát huy tối đa năng lực khi TP có 4-5 tuyến tàu điện và người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng là chủ yếu. Ở thời điểm này Hà Nội vẫn nên sớm thực hiện để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tạo dần thói quen cho người dân đi xe đạp”, ông Thạch cho biết.
Để hướng tới người dân sử dụng xe đạp thuận tiện, ông Thạch cho rằng TP còn nhiều việc phải làm. Đi cùng với việc tiếp tục phát triển hệ thống giao thông công cộng (xe buýt, tàu đường sắt đô thị) thì trong quy hoạch cần có kế hoạch phát triển đường dành riêng cho xe đạp.
“Phát triển xe đạp công cộng, đồng nghĩa với việc TP phải bố trí lối đi ưu tiên cho xe đạp. Chỉ khi người đi bộ và đi xe đạp thấy an toàn thì họ mới sẵn sàng tiếp cận giao thông công cộng”, ông Thạch nói.
Chính phủ "chốt" chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe
Chính phủ quyết nghị "chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rà soát, đề xuất xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật...
Vũ Điệp