Tại lễ tuyên dương, ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã nêu bật những kết quả của ngành về quy mô, chất lượng giáo dục. Năm học 2022-2023, tất cả các cấp học, bậc học đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục ổn định và có bước phát triển mạnh với 2.840 trường học, gần 2,2 triệu học sinh, gần 123.000 giáo viên. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học tại các nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hoá, đồng bộ và hiện đại. Tính đến tháng 4/2023, toàn thành phố có 2,4% số trường công lập đạt chuẩn.
Nét mới của ngành Giáo dục thủ đô trong năm học 2022-2023 là việc triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm”. Hiện đã có 30 phòng giáo dục và đào tạo, 80 trường trung học phổ thông ký kết hợp tác. Đây là giải pháp trọng tâm của ngành nhằm từng bước thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các nhà trường.
Năm học 2022-2023, học sinh thủ đô tiếp tục đạt nhiều thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp với 8 học sinh đạt giải quốc tế, 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (tăng 16 giải so với năm học trước).
Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của ngành Giáo dục và Đào tạo thủ đô, đặc biệt là thành tích của 759 học sinh giỏi tiêu biểu dự buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tập trung tổ chức tốt công tác tuyển sinh đầu cấp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Cùng với đó, chuẩn bị các điều kiện phục vụ kỳ thi THPT để học sinh đạt kết quả cao nhất về kết quả tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động sinh hoạt lành mạnh, bổ ích, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh trong dịp hè 2023.
Ngoài ra, ngành Giáo dục thủ đô cũng cần ưu tiên thực hiện bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, song song với việc từng bước nâng cao chất lượng đại trà; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đặc biệt là trong đổi mới phương pháp dạy và học gắn với việc xây dựng trường học điện tử; chú trọng đào tạo ngoại ngữ, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa...