Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho hay Hà Nội là địa phương có quy mô học sinh lớn nhất cả nước. Năm học 2022-2023, toàn TP có 2.870 trường mầm non, phổ thông và trung tâm GDTX với gần 2,2 triệu học sinh.
Theo bà Hà, TP có nhiều các loại hình như trường nhiều cấp học, trường liên cấp, trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia với quy mô lớp học tương đối lớn. Tuy nhiên Nghị định 120 quy định số lượng cấp phó quản lý không quá 2 người, gây khó khăn trong công tác quản lý đối với những trường có quy mô đặc thù và quy mô lớn.
Do đó, bà Hà kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 120 cho phù hợp với các lại hình trường.
Bà Hà cũng cho hay hiện nay, TP Hà Nội có tình trạng tăng dân số cơ học rất nhanh. Bình quân mỗi năm tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương ứng cần xây mới từ 30-40 trường học. Tuy nhiên, một số địa phương, đặc biệt là các quận nội thành gặp khó, do không còn quỹ đất.
Vì vậy để đảm bảo được nhu cầu của số lượng học sinh cũng như đáp ứng được trường học chuẩn, Hà Nội đề nghị các cấp xem xét cho phép áp dụng xác định tiêu chuẩn, định mức diện tích sử dụng/học sinh thay cho tiêu chí diện tích đất/học sinh đối với công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
“Với các quận nội thành, khi quỹ đất không còn, để đáp ứng số lượng học sinh tăng rất nhanh, chúng tôi kiến nghị cho phép Hà Nội được nâng tầng đối với các khối nhà xây dựng; đồng thời cho phép việc xây dựng tầng hầm các trường học trong các quận nội thành để khai thác sử dụng quỹ đất hiệu quả”, bà Hà nói.
Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của ngành GD-ĐT Hà Nội, bà Hà cho hay trong nguyên tắc chung, đầu tư kinh phí chi thường xuyên tập trung cho ngành giáo dục không thấp hơn 20%.
Song, đối với TP Hà Nội, theo tổng hợp báo cáo của Sở Tài chính, kinh phí cho chi thường xuyên trong ngành giáo dục chiếm 32,8% trong tổng chi thường xuyên của thành phố. Như vậy có thể nói, TP rất quan tâm đầu tư cho ngành giáo dục.
TP Hà Nội cũng nghiên cứu xây dựng những mô hình trường học theo yêu cầu phát triển của Thủ đô, như xây dựng trường chất lượng cao và đặc biệt đã có Nghị quyết để xây dựng trường học tiên tiến nhiều cấp học, theo hướng tiên tiến hiện đại, với nguồn lực đầu tư hiện nay đang thí điểm ở 7 địa phương với tổng kinh phí là 2.500 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu thực trạng hiện nay ở Hà Nội, chênh lệch chất lượng giữa các trường trong một địa phương vẫn còn. "Có những trường phụ huynh phải xếp hàng để xin được một suất vào đó, nhưng cũng có những trường trong cùng địa bàn đó, sĩ số chưa cao", bà Hà nói.
Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng đây cũng là câu chuyện chất lượng và Hà Nội phải giải quyết chất lượng giáo dục giữa các trường và chất lượng giữa các địa phương.