Hôm nay, 14/12, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn, ông Trần Thế Cương cho biết, TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và tập trung nguồn lực rất lớn, dành nguồn kinh phí để đầu tư các cơ sở vật chất trường học.
Về đầu tư công trung hạn, TP Hà Nội đã dành nguồn lực hơn 20 nghìn tỷ đồng để tập trung xây dựng mới và cải tạo lại trường học trên địa bàn.
“Đây là những cơ sở tốt, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp cho ngành GD-ĐT từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, ông Cương nói.
Ông Cương cho hay, quy mô trường lớp, học sinh các cấp học của TP Hà Nội không ngừng tăng lên theo từng năm. Mỗi năm, Hà Nội có số học sinh rất lớn. Như năm nay, số lượng học sinh Hà Nội tăng rất lớn. Riêng số học sinh vào lớp 1 năm nay tăng khoảng 7.000; số học sinh vào lớp 6 tăng 58.000 em.
Do đó, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các bộ, ngành trung ương tiếp tục ưu tiên sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ra khỏi khu vực nội đô, sẽ giành quỹ đất đó để xây dựng các trường học công lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên toàn thành phố, đặc biệt khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Cùng đó, Sở kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định về số lượng cấp phó với các cơ sở giáo dục tại Nghị định số 120 của Chính phủ. Ông Cương kiến nghị quy định số lượng cấp phó theo quy mô các loại hình cơ sở giáo dục.
"Việc quy định mỗi cơ sở giáo dục có không quá 2 cấp phó chưa có sự hợp lý đối với các cơ sở giáo dục có quy mô lớn, như trường liên cấp, trường có nhiều cấp học, trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia. Trong khi, hiện nay số lượng các trường này ở TP Hà Nội và một số TP lớn rất nhiều. Vì vậy, nếu quy định chỉ 2 phó hiệu trưởng sẽ rất khó cho quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giáo dục cho các nhà trường", ông Cương chia sẻ.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cũng kiến nghị nghị Bộ Nội vụ quan tâm xem xét bổ sung biên chế để tuyển đủ giáo viên đảm bảo các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên.
Bởi ông Cương cho hay, theo thông tư quy định hiện nay của Bộ GD-ĐT, nếu so với số lượng học sinh và vị trí việc làm, Hà Nội đang thiếu hơn 10.000 giáo viên.