Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đây là tỉnh, thành đầu tiên cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ năm về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Ban Chỉ đạo gồm 15 thành viên. Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố làm Trưởng ban Chỉ đạo; Ban Nội chính Thành uỷ là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Theo quyết định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện theo quy định của Ban Bí thư; đồng thời thay thế và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 – 2025”.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà đánh giá, việc Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm cụ thể hóa quyết định của Hội nghị Trung ương thể hiện quyết tâm chính trị cao, hành động nhanh, quyết liệt của Hà Nội, ngay sau khi Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bế mạc.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hà Nội sẽ tạo ra những chuyển biến đột phá, tích cực, mạnh mẽ, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", tạo khí thế “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” trở thành xu hướng tất yếu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Hà Nội và trên phạm vi cả nước, góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2021, về việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, UBND TP Hà Nội cho biết, qua công tác kiểm tra nội bộ chưa phát hiện và xử lý vụ việc nào tại đơn vị có liên quan đến tham nhũng.

Đối với việc phát hiện, xử lý tham nhũng, vi phạm, thành phố đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy định về phòng, chống tham nhũng để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng trên các lĩnh vực: đầu tư mua sắm công, tài chính ngân sách, công tác tổ chức cán bộ, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng…

Theo số liệu báo cáo, lực lượng Công an thành phố đã thụ lý 38 vụ 40 bị can (trong đó kỳ trước chuyển sang 27 vụ 29 bị can; khởi tố trong kỳ 9 vụ 7 bị can; phục hồi điều tra 2 vụ 4 bị can). Kết quả giải quyết, đơn vị này đã tạm đình chỉ 6 vụ một bị can; đình chỉ một vụ; kết thúc chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 21 vụ 31 bị can….

Đối với VKSND TP Hà Nội, cơ quan này đã thụ lý tổng 9 vụ 15 bị can (cũ 2 vụ 3 bị can; mới 7 vụ 12 bị can); đã giải quyết 7 vụ 10 bị can, đang giải quyết 2 vụ 5 bị can…

Song, TP Hà Nội cũng nhận định, tình hình tham nhũng trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng rộng, tiềm ẩn trong một số lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, mua sắm công…".

Theo Hà Nội, nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều kẽ hở, trình độ quản lý còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách hoặc lợi dụng nhiệm vụ được giao làm trái quy định, quy trình để vụ lợi.

Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN; các cơ quan PCTN tại một số đơn vị, địa phương còn lúng túng trong việc đề ra các giải pháp thực hiện PCTN; chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.

Về nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng năm 2022, Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 50-CT/TW, Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị; Quy định số 205/QĐ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền và các văn bản, quy định có liên quan.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, xóa bỏ tình trạng "xin-cho", tập trung trong các lĩnh vực: đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng - ngân hàng…

HQ