Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội vừa báo cáo kết quả Chương trình đo kiểm khí thải xe môtô, xe gắn máy cũ và đề xuất lộ trình kiểm định khí thải.
Qua khảo sát trực tiếp trên 3.800 chủ xe máy trên địa bàn, Sở TN&MT cho biết, đa số người dân (86%) ủng hộ chính sách kiểm soát khí thải. Mức phí kiểm tra được nhiều người dân đồng thuận, khoảng 30.000-50.000 đồng/lần với tần suất một lần một năm.
Có khoảng 29% người dân cho biết sẽ đưa xe máy cũ, thải bỏ tới các điểm thu hồi theo quy định.
Kiểm tra ngẫu nhiên khí thải trên 5.200 xe có tuổi đời trên 5 năm cho thấy các phương tiện này có xu hướng phát thải vượt giới hạn cho phép. Cụ thể, tỷ lệ xe không đạt tiêu chuẩn Việt Nam mức 1 là hơn 54% và không đạt mức 2 là trên 60% (theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438:2018 về phương tiện giao thông đường bộ giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải, nồng độ CO và HC trong khí thải của phương tiện lắp động cơ cháy cưỡng bức được xác định ở mức 1 là 4,5 CO (% thể tích), ở mức 2 là 3,5 CO (% thể tích).
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đến tháng 7 năm nay, Hà Nội có hơn 7,6 triệu phương tiện, trong đó hơn một triệu ôtô, gần 6,5 triệu môtô các loại và khoảng 180.000 xe máy điện.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất, năm 2023, TP Hà Nội sẽ xây dựng khung pháp lý và ban hành kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy; nghiên cứu phân vùng bảo vệ môi trường không khí và hạn chế xe máy.
Cũng trong năm 2023, TP Hà Nội xây dựng và ban hành tiêu chuẩn khí thải xe máy đang lưu hành và các tiêu chuẩn, quy định liên quan đến quản lý khí thải xe máy, bao gồm cả đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ kiểm định khí thải xe máy.
Đến giai đoạn 2024-2025, Hà Nội sẽ thí điểm kiểm định khí thải xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên, với tần suất 1 lần/năm, có thể nghiên cứu dán tem để phân biệt. Phạm vi kiểm soát là địa bàn toàn thành phố và bắt đầu áp dụng phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải.
Từ năm 2026, xe máy sử dụng 3-5 năm trở lên có thể phải kiểm định khí thải định kỳ, đồng thời hạn chế các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải tại khu vực đã phân vùng; nghiên cứu áp dụng thu phí khí thải cho các khu vực theo phân vùng bảo vệ.
Cũng theo nội dung báo cáo, tùy theo từng giai đoạn, thành phố có thể điều chỉnh nội dung của kịch bản. Ví dụ, trong giai đoạn đầu, khi người dân chưa làm quen với kiểm định khí thải xe máy định kỳ, thành phố có thể chỉ kiểm soát theo đối tượng.
Sau một thời gian áp dụng, thành phố sẽ kết hợp kiểm soát theo cả đối tượng và khu vực; khi các điều kiện về hạ tầng, giao thông công cộng đảm bảo sẽ nghiên cứu kết hợp cả thu phí khí thải xe máy.
Với những xe không đạt tiêu chuẩn khí thải, đã cũ nát..., thành phố có chính hỗ trợ chủ xe phải thu hồi từ các nguồn ngân sách, xã hội hóa, hỗ trợ của doanh nghiệp để chuyển đổi phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải hoặc chuyển đổi sinh kế.
Để kiểm soát khí thải xe máy, Hà Nội sẽ xây dựng 170 trạm kiểm định cố định và lưu động; đầu tư hệ thống camera giao thông để phát hiện xe xả khói đen (có thể sử dụng chung với camera giao thông hiện có). 170 trạm này còn có chức năng đo khí thải tất cả các xe máy đăng ký ở thành phố đang lưu hành. |
Bắt buộc kiểm tra định kỳ khí thải xe máy: Cần rõ lộ trình, tránh áp đặt
Các chuyên gia cho rằng, quy định bắt buộc mô tô, xe máy phải kiểm tra khí thải định kỳ là cần thiết. Tuy vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và đặt ra lộ trình thực hiện, tránh áp đặt ngay lập tức sẽ làm khó người dân.
Ô nhiễm gia tăng, TP.HCM lên kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy
TP.HCM cho rằng, sự gia tăng của xe máy được xem là tác nhân gây ô nhiễm, do vậy cần phải kiểm soát khí thải đối với xe máy, nhằm đảm bảo sức khỏe người dân.