Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội đến quý III/2023 và nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2023, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố Hà Nội cho biết, đến nay Hà Nội có 17/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Mỹ Đức đang phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới trình Trung ương, phấn đấu được công nhận trong quý IV/2023).
Có 6 huyện phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai. Có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp thành phố, Hà Nội cần có 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Hiện tại, Hà Nội đang gấp rút triển khai hiệu quả và đã có 17/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Về chỉ tiêu có 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện có 6 huyện phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao, gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai. Trong đó, có 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì đã được Đoàn thẩm định Thành phố thẩm định đủ điều kiện đề nghị các cấp công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai đang tập trung hoàn thiện hồ sơ và các chỉ tiêu để hoàn thành hồ sơ trong các tháng cuối năm 2023 và quý I năm 2024.
Còn đối với chỉ tiêu 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến hết năm 2022, Thành phố Hà Nội có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2023, Thành phố giao các huyện, thị xã hoàn thành 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, Đoàn thẩm định nông thôn mới Thành phố đang tập trung đánh giá tại các địa phương, dự kiến hoàn thành kế hoạch đề ra.
Điển hình, vừa qua Thành phố Hà Nội đã hoàn thành thẩm định nông thôn mới kiểu mẫu tại 8 xã của huyện Thanh Trì. Tất cả các xã đều đủ điều kiện để trình Hội đồng thẩm định Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Đặc biệt, có 2 xã Yên Mỹ và xã Đại Áng chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện 8/8 lĩnh vực gồm môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số, an ninh trật tự, sản xuất. Đây là 2 xã đầu tiên của Hà Nội đạt kiểu mẫu toàn diện.
Năm 2023, Thành phố giao các huyện, thị xã hoàn thành 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến nay, huyện Hoài Đức có tờ trình đề nghị thẩm định 9 xã (vượt 5 xã so với kế hoạch). Các huyện, thị xã còn lại đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số tiêu chí cơ bản đạt và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Về xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, Thành phố Hà Nội giao các huyện, thị xã hoàn thành 33 xã. Kết quả, huyện Hoài Đức đã có tờ trình đề nghị thẩm định 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Các huyện, thị xã còn lại đang tập trung hoàn thiện một số tiêu chí cơ bản, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Phát huy các kết quả đạt được, Hà Nội sẽ tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2025.
Từ năm 2021 đến quý III/2023, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là 53.271 tỷ đồng; tổng kinh phí huy động vốn năm 2023 là 12.081,15 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến hết quý III/2023, có 8 quận hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới kinh phí 648,2 tỷ đồng. Trong đó, quận Tây Hồ đã hỗ trợ 6 huyện với tổng kinh phí 270,8 tỷ đồng; quận Long Biên hỗ trợ 128 tỷ đồng; quận Hoàng Mai hỗ trợ 85 tỷ đồng; quận Hoàn Kiếm hỗ trợ 63,8 tỷ đồng…
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, Thành phố Hà Nội đã xây dựng xong Đề án Xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 để trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua trong kỳ họp tới đây.
Đề án đã xác định rõ 14 nhóm giải pháp. Theo đó, Hà Nội tập trung phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn; phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics; phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, Hà Nội cũng nâng cấp cơ sở vật chất ngành giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực ở nông thôn…
Thành phố Hà Nội chú trọng đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc. Nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn.
Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…