Sau khi Báo VietNamNet có tuyến bài phản ánh thực trạng đất quy hoạch công viên ở một số nơi tại Hà Nội bị lấn chiếm, người dân phường Định Công (quận Hoàng Mai) thông tin, trên địa bàn phường cũng có tình trạng như trên.
Nhà xưởng, khu tạm ‘nuốt chửng’ ao hồ
Năm 2005, UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Hoàng Mai, trong đó khu công viên hồ điều hòa có ký hiệu là A1/CXKV ở phường Định Công rộng hơn 26ha.
Tuy nhiên, do bị ‘đắp chiếu’ gần 20 năm, hàng chục ha đất quy hoạch công viên hồ điều hòa nằm đối diện khu đô thị Định Công bị lấn chiếm xây dựng thành nhà xưởng, nhà tạm, trong đó sai phạm nhất là khu Đầm Bông rộng khoảng 3,5ha.
Ông B.H.M. nhà ở phường Định Công cho biết, khoảng năm 2012, khu đất quy hoạch công viên hồ điều hoà A1/CXKV là hồ, đồng ruộng rộng mênh mông. Trong đó, khu Đầm Bông là vùng nước sâu được người một người tên Kh. thuê lại của các hộ dân để nuôi cá, rùa, ba ba.
“Dù là đất nông nghiệp của người dân Định Công, nhưng khu vực quy hoạch công viên này cũng là nơi tiêu thoát nước của cả khu vực vào mùa mưa. Chỉ gần chục năm, ao hồ, đồng ruộng bị san lấp làm nhà cửa, không có chỗ tiêu thoát nước, nên khu đô thị Định Công cứ mưa lớn là ngập”, ông B.H.M. tiếc nuối.
Tìm vào khu Đầm Bông trước đây, chúng tôi không còn nhận ra đâu là ao hồ, đồng ruộng. Chỉ 10 năm trước được người dân gọi khu vực mênh mông nước này là đầm thì nay như một "cụm công nghiệp" với hàng trăm công nhân sản xuất, ô tô, xe máy ra vào tấp nập. Thậm chí, cạnh ‘cụm công nghiệp’ ở Đầm Bông là nhiều nhà vườn khang trang.
Trong vai người cần thuê nhà kho, chúng tôi được một người phụ nữ dẫn đi quanh ‘cụm công nghiệp’ và giới thiệu nhà mái tôn rộng 300m2 có giá thuê khoảng 35 triệu đồng/tháng. Người này cho biết, chúng tôi có thể sửa chữa, ăn ở thoải mái bên trong nhà xưởng.
80 công trình vi phạm ở khu quy hoạch công viên hồ điều hòa
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phùng Ngọc Nam, cán bộ địa chính phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, khu vực Đầm Bông rộng khoảng 3,5ha, là đất nông nghiệp, được giao cho các hộ dân trên địa bàn canh tác. Từ năm 2020 đến nay, phường tổ chức rà soát, xác định 80 công trình vi phạm ở khu Đầm Bông là nhà xưởng, nhà tạm.
Theo ông Nam, do khu vực Đầm Bông thuộc đất quy hoạch cây xanh, nên trước đây, phường Định Công đã yêu cầu các hộ dân ở đây giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất đề sau này giải phóng mặt bằng, đồng thời cấm mua bán đất trái quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND phường Định Công Đặng Xuân Chiến cho biết, các công trình vi phạm trên có từ trước khi thành lập quận Hoàng Mai (năm 2003).
Tuy nhiên, theo ông Phùng Ngọc Nam, năm 2016, khi ông về phường công tác vẫn thường phát hiện người dân chở đất san lấp Đầm Bông.
“Lúc đó, phường còn phải mua cốp pha, dây thép gai dựng rào chống người dân san lấp ở Đầm Bông. Tuy nhiên, chỉ được vài ngày, hàng rào lại bị người dân đạp đổ để san lấp”, ông Phùng Ngọc Nam nói.
Phó Chủ tịch UBND phường Định Công Đặng Xuân Chiến khẳng định, lãnh đạo phường không dung túng, bao che cho các công trình sai phạm. Nhưng theo ông, với các công trình sai phạm ở Đầm Bông không đơn giản muốn là xử lý được ngay.
Ông Chiến nêu ví dụ, từ đầu năm 2022 đến nay, đã hai lần UBND phường Định Công phải huy động máy xúc, nhân lực để múc đất đá bị đổ trộm, san lấp trái phép xuống hồ Đầm Bông.
Theo ông Chiến, UBND phường đang cho rà soát cụ thể các công trình vi phạm ở Đầm Bông để báo cáo cơ quan chức năng hướng xử lý.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công cũng chưa biết đến bao giờ mới rà soát xong các công trình vi phạm để báo cáo với UBND quận Hoàng Mai.
Không lấp hồ ao làm khu đô thị, khu nhà ở Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 9 đầu tháng 11/2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã quán triệt nguyên tắc không lấp hồ, ao hiện có để thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở, khu cụm công nghiệp. TP Hà Nội khuyến khích các nhà đầu tư, địa phương xây dựng các khu công viên cây xanh có hồ điều hòa để tăng khả năng tiêu thoát nước đô thị khi xảy ra mưa lớn. |