Sáng ngày 3/2/2023, tôi di chuyển từ nhà ở khu vực đường Quang Trung đến cơ quan ở đường Trần Phú, quận Hà Đông chỉ khoảng 3-4km nhưng mất 45 phút do trời mưa và tắc đường. Cứ mỗi khi trời mưa, đường Hà Nội lại tắc hơn bao giờ hết, việc đi làm vào đúng giờ cao điểm trở thành cơn ác mộng đối với nhiều người dân thủ đô.
Chúng ta cứ đổ tại trời mưa nên đường tắc, thực tế thì nguyên nhân chính là ý thức của người tham gia giao thông. Ngày nào đi làm tôi cũng chứng kiến rất nhiều cảnh người dân tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, coi thường pháp luật về giao thông. Thậm chí, người chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ như đi đúng làn đường, dừng trước đèn đỏ… như tôi đôi khi còn bị chính những người đang cùng di chuyển trên đường quát tháo, bấm còi to vì không có cảnh sát giao thông giám sát mà tôi không chịu vượt đèn đỏ, chắn trước xe của họ làm họ không vượt được. Đôi khi, tôi đỗ xe đúng làn chờ đèn đỏ nhưng xe khác vẫn đâm vào tôi vì họ vẫn cố tình luồn lách qua khe hở của ô tô để vượt lên đứng hàng đầu tiên sát với khu vực đèn giao thông. Tôi cứ tự hỏi rằng: Với tình trạng như thế này, không biết đến khi nào, Hà Nội mới hết tắc đường?
Vẫn biết, trong thời tiết mưa gió, ai cũng mong đi nhanh đến cơ quan hoặc về nhà sớm, nhưng tranh thủ sự vắng bóng của cảnh sát giao thông rồi vượt đèn đỏ; đi tắt bằng cách chạy ngược chiều; chen lấn, giành hết phần đường của nhau; đang đỗ ở làn xe máy thì rẽ tạt ngang sang chắn luôn cả làn ô tô… những hành vi ấy chỉ khiến cho lộ trình của tất cả các phương tiện đều chậm lại. Nguy hại hơn, hành vi ấy có thể gây ra hậu quả khó lường cho chính bản thân họ và cho những người tham gia giao thông khác.
Nhiều người chỉ đổ lỗi cho hạ tầng giao thông không đồng bộ, yếu kém dẫn đến quá tải; lực lượng cảnh sát giao thông quá mỏng nên không thể điều tiết được hết các nút giao thông… mà quên đi một điều quan trọng nhất rằng: Tắc đường, bị chôn chân hàng giờ đồng hồ dưới mưa nguyên nhân không phải do trời mưa mà là từ việc thiếu ý thức trong văn hóa giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông. Ai cũng muốn đi trước nên thiếu sự nhường nhịn và phớt lờ sự điều tiết của cảnh sát giao thông. Đa phần người điều khiển xe máy thường mạnh ai nấy đi, luồn lách, quay đầu chuyển hướng vô tội vạ… miễn sao nhanh hơn người khác. Sự coi thường pháp luật của người tham gia giao thông dường như đã trở thành thói quen cố hữu của người Việt Nam.
Từ những hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong tham gia giao thông đã dẫn đến những tai nạn đáng tiếc xảy ra, làm nhiều người bị thương, thậm chí là tử vong. Do vậy, mọi người dân cần phải có trách nhiệm xây dựng văn hoá giao thông ngay từ những hành vi nhỏ hàng ngày trên đường.
Ngành giao thông phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa giao thông, nhằm tạo thói quen cư xử có văn hóa, coi việc tự giác tuân thủ pháp luật để bảo vệ bản thân, những người đi đường bên cạnh và bảo đảm trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức của người tham gia giao thông. Nó cần nhất quán cho dù điều kiện thời tiết nắng hay mưa, tâm trạng con người thư thái hay vội vã, có cảnh sát giao thông trực chốt, hướng dẫn hay không. Nhiều người dân có ý thức tốt sẽ tạo được nét văn hóa tham gia giao thông. Tất cả người dân là những người trực tiếp xây dựng, duy trì nề nếp đó. Bao giờ người tham gia giao thông cư xử có văn hóa, khi đó Hà Nội mới hết tắc đường.
TS. Vũ Thị Minh Huyền
Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam