{keywords}
Sở GTVT Hà Nội sẽ tạm dừng cấp, cấp đổi Giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu, biển hiệu xe cho các đơn vị kinh doanh vận tải không chấp hành đúng quy định. Ảnh: Duy Vũ

Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản gửi các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô, Hiệp hội vận tải và các cơ sở đào tạo người lái xe ô tô về việc đôn đốc tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe, nhân viên phục vụ trong xe.

Đơn vị này cho biết mặc dù là quy định đã có từ lâu nhưng cho đến nay, còn nhiều đơn vị chưa nghiêm túc chấp hành tổ chức tập huấn hoặc tổ chức thực hiện nhưng không thông báo hoặc thông báo muộn đến Sở GTVT nên chưa có sự giám sát Sở GTVT, chưa được công nhận kết quả tập huấn.

Sở GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải nghiêm túc chấp hành quy định về tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải theo Nghị định 10 của Chính phủ, Thông tư 12 của Bộ GTVT. Cụ thể, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thường xuyên rà soát công tác tập huấn nghiệp vụ để kịp thời xây dựng kế hoạch tập huấn, danh sách cán bộ và người được tập huấn gửi về Sở GTVT Hà Nội để kiểm tra, giám sát theo quy định.

Phía Sở GTVT cho biết không công nhận kết quả đã tập huấn và yêu cầu phải thực hiện tập huấn lại theo đúng quy định đối với các đơn vị tổ chức tập huấn mà không thông báo đến sở GTVT theo quy định.

Đối với các đơn vị không tiến hành tập huấn nghiệp vụ theo quy định, Sở GTVT Hà Nội sẽ tạm dừng cấp, cấp đổi Giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu, biển hiệu xe cho đến khi đơn vị chấp hành đúng quy định.

Hầu hết các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam như Grab, be... hiện nay đều thực hiện hợp tác với các HTX kinh doanh vận tải. Do đó, công tác thực hiện tập huấn nghiệp vụ cho các tài xế tham gia không phải do các đơn vị này mà là các HTX vận tải tổ chức thực hiện.

Nhiều tài xế Grabcar cho biết các HTX (lái xe đăng ký hoạt động) liên tục tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ và cấp chứng nhận. Các tài xế đăng lý và tham gia các lớp tập huấn này với mức phí khoảng 300.000 đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi, hầu hết các tài xế đều “mù mờ” về các quy định của việc tổ chức lớp học cũng như hiệu lực của giấy chứng nhận tập huấn này.

Thông tư 12 của Bộ GTVT quy định có những quy định cụ thể về tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe. Theo đó, tất cả lái xe và nhân việc phục vụ trên xe đều phải tham gia tập huấn trước khi tham gia hoạt động kinh doanh vận tải. Nội dung tập huấn theo chương trình khung của Bộ GTVT và việc tập huấn định kỳ không quá 3 năm, kể từ lần tập huấn trước đó.

Thông tư nêu rõ: Cán bộ tập huấn phải là giáo viên chuyên ngành vận tải của các trường từ trung cấp trở lên có đào tạo chuyên ngành vận tải đường bộ; người có trình độ chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên; Người có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành khác và có kinh nghiệm tối thiểu 3 năm về quản lý, điều hành vận tải đường bộ. 

Nghị định 10 của Chính phủ quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, các loại xe kinh doanh vận tải, kể cả xe hợp đồng chạy các ứng dụng gọi xe phải gắn phù hiệu xe hợp đồng (còn hạn); logo HTX, thẻ tập huấn nghiệp vụ, lệnh vận chuyển,…. 

Theo quy định, phạt tiền từ 3 - 4 triệu đồng đối với cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không tham gia tập huấn nghiệp vụ. Đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải mức phạt này từ 6 - 8 triệu đồng.

Duy Vũ

Tài xế công nghệ có quyền từ chối khách không đeo khẩu trang

Tài xế công nghệ có quyền từ chối khách không đeo khẩu trang

Một số ứng dụng gọi xe cho phép tài xế huỷ chuyến nếu khách không đeo khẩu trang trong bối cảnh Đà Nẵng phát hiện hai ca nhiễm Covid-19.